Thận có nhiều chức năng trong cơ thể như cân bằng chất lỏng, chất điện giải và các chất hòa tan để lọc nước, chất thải ra khỏi máu qua đường tiểu. Thận còn tạo ra các hormone cần thiết để sản xuất tế bào hồng cầu mới và xương khỏe mạnh.
Hai bệnh mạn tính làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận là tiểu đường và tăng huyết áp (huyết áp cao). Hạn chế lượng natri và chất béo bão hòa là những cách chính để giảm nguy cơ và/hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, có thể bảo vệ thận và phòng ngừa bệnh.
Để thận khỏe mạnh, mỗi người nên lưu ý các loại thức ăn nạp vào, cân nhắc loại có lợi, hại.
Thực phẩm hại thận
Thịt chế biến: Các loại thịt đã qua chế biến như thịt xông khói, xúc xích, thịt nguội và giăm bông không tốt cho thận. Chúng vừa chứa nhiều natri vừa giàu protein có nguồn gốc động vật. Lượng natri tiêu thụ thường xuyên vượt quá 2.300 mg mỗi ngày có thể làm tăng huyết áp, tạo thêm căng thẳng của cơ quan này. Ăn nhiều protein động vật có thể làm tăng tốc độ tiến triển của bệnh thận.
Thức ăn nhanh: Thức ăn nhanh như khoai tây chiên, gà rán, pizza thường chứa nhiều chất béo bão hòa, muối, đường, calo và ít dinh dưỡng cần thiết cho sức khỏe thận. Chế độ ăn uống lành mạnh với thận nên bao gồm nhiều loại trái cây, rau, carbohydrate phức hợp và protein nạc.
Nước tương, nước mắm: Nước tương, nước mắm giúp tăng hương vị cho món luộc nhưng thường có hàm lượng natri cao. Để giảm nạp muối, hãy thay thế bằng các nguyên liệu có hàm lượng natri thấp như nấm, bột cà chua, men dinh dưỡng hoặc giấm.
Thực phẩm bổ thận
Cá béo: Cá hồi, cá mòi và các loại cá béo nước lạnh khác đều giàu axit béo omega-3 - chất mà cơ thể không thể tạo ra mà chỉ dung nạp từ thực phẩm. Omega-3 có tác dụng giảm viêm nhiễm trong cơ thể. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA), chất béo omega-3 còn có tác dụng giảm huyết áp nhẹ, có lợi cho người bệnh cao huyết áp - yếu tố nguy cơ gây bệnh thận.
Rau lá xanh đậm: Rau lá xanh đậm cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin C, E và K cũng như các khoáng chất canxi, magie, kali và sắt có thể giúp ngừa bệnh thận. Những loại rau còn có tác dụng chống viêm, bảo vệ thận khỏi tổn thương oxy hóa xảy ra khi hoạt động quá mức.
Khoai lang: Vitamin và khoáng chất tốt trong khoai lang như kali có thể giúp cân bằng lượng natri trong cơ thể và giảm quá tải cho thận. Tuy nhiên, người mắc bệnh thận mạn hoặc đang chạy thận cần tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị nếu ăn khoai lang vì cần giảm tiêu thụ kali.
Các loại đậu: Các loại đậu là nguồn protein thay thế phù hợp cho người muốn cắt giảm thịt để cải thiện sức khỏe thận. Thịt vốn có nhiều lợi ích dinh dưỡng nhưng lại có hàm lượng axit cao, nếu ăn quá nhiều có thể gây căng thẳng cho người bệnh thận. Không giống như protein từ động vật, protein thực vật giúp cải thiện độ pH của cơ thể, tránh môi trường axit trong cơ thể.
Hạt lanh: Đường huyết cao theo thời gian có thể gây tổn thương thận. Bổ sung thực phẩm giàu chất xơ như hạt lanh là cách giữ cho lượng glucose (đường) ổn định và thận khỏe mạnh. Chất xơ này giúp duy trì lượng đường trong máu, hai thìa hạt lanh xay chứa gần 4 g chất này. Rắc một ít vào sinh tố hoặc bánh nướng là cách để thưởng thức hạt lanh.
Tỏi: Loại gia vị này có tác dụng chống viêm mạnh, giúp giảm huyết áp, cả hai đều hỗ trợ cho chức năng thận. Tỏi còn có khả năng chống lại tổn thương oxy hóa do bệnh thận gây ra.
Bảo Bảo (Theo Eat This Not That, Eating Well)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh thận tại đây để bác sĩ giải đáp |