Muối có tên khoa học là natri clorua. Tiêu thụ nhiều muối là yếu tố nguy cơ chính phát triển bệnh thận và tim mạch.
Thận có chức năng loại bỏ lượng nước thừa ra khỏi cơ thể bằng cách lọc máu. Hoạt động này đòi hỏi sự cân bằng natri và kali trong cơ thể. Chế độ ăn nhiều muối làm mất cân bằng natri, khiến thận suy giảm chức năng, loại bỏ chất thải kém hiệu quả. Lúc này, natri và chất lỏng thừa có thể tích tụ trong tế bào và trong các mô, dẫn đến hiện tượng phù nề. Lượng natri lớn cũng gây tăng huyết áp, khó thở và tụ dịch quanh tim và phổi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hầu hết người dân đều tiêu thụ quá nhiều natri. Lượng tiêu thụ trung bình toàn cầu của người lớn là 4.310 mg natri một ngày (tương đương 10,78 g muối một ngày). Con số này cao gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là dưới 2.000 mg natri một ngày (tương đương dưới 5 g muối một ngày). Ước tính mỗi năm có khoảng 1,89 triệu ca tử vong liên quan đến tiêu thụ quá nhiều natri.
Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ (NKF) khuyến nghị người mắc bệnh thận hoặc huyết áp cao không dùng quá 1.500 mg natri một ngày. Hàm lượng này bao gồm natri tự nhiên có sẵn trong thực phẩm, trong phụ gia bảo quản thực phẩm, muối chế biến thức ăn, nước chấm...
Để quản lý lượng muối nạp vào cơ thể, tổ chức này khuyến cáo mọi người áp dụng một số cách sau:
Đọc kỹ thành phần sản phẩm: Khoảng 75% lượng muối ăn mà mọi người tiêu thụ hằng ngày là từ thực phẩm đã qua chế biến. Do đó, cần kiểm tra bảng hàm lượng các thành phần khi mua sản phẩm.
Theo NKF, trên nhãn thực phẩm thường gặp những thuật ngữ sau:
"Giảm natri" là sản phẩm giảm hơn 25% natri so với thông thường.
"Ít natri" là sản phẩm chứa 50% natri so với sản phẩm thông thường.
"Natri rất thấp" là sản phẩm chứa không quá 35 mg mỗi khẩu phần. "Không chứa natri" là sản phẩm có chưa đến 5 mg natri mỗi khẩu phần.
Nên chọn thực phẩm có nhãn "không chứa natri" hoặc "natri rất thấp". Bạn cũng nên chú ý số lượng của khẩu phần ăn, bởi nhiều sản phẩm chứa nhiều khẩu phần trong một gói. Nhãn thực phẩm cũng có thể đo hàm lượng muối trên 100 g sản phẩm chứ không phải tổng lượng muối của sản phẩm đó.
Lưu ý muối ẩn: Ngoài muối ăn, natri cũng xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm như đồ ăn nhanh, thịt ngâm, rau củ muối chua... Một số đồ uống, như đồ uống thể thao, cũng có thể chứa natri.
NKF lưu ý nhiều sản phẩm có hàm lượng natri thấp nhưng chứa kali clorua thay thế, không có lợi cho người áp dụng chế độ ăn hạn chế kali.
Hạn chế muối khi chế biến thực phẩm: Tự nấu ăn tại nhà và theo dõi lượng muối sử dụng có thể giúp kiểm soát lượng natri tốt hơn. Nêm nếm nhạt hơn, dùng các loại thảo mộc và gia vị để tăng thêm hương vị cho món ăn thay vì muối như húng quế, tiêu, ớt, tỏi, thảo quả, cà ri, rau thì là, rau mùi...
Không dùng nước sốt bán sẵn. Tăng cường rau xanh, trái cây trong bữa ăn, ưu tiên các món luộc hấp, giảm các món xào kho chứa nhiều gia vị.
Nếu ăn tại nhà hàng, bạn có thể yêu cầu đầu bếp chế biến món ăn không có hoặc giảm muối. Nước chấm nên pha loãng, hạn chế thêm muối, nước mắm trong khi ăn.
Anh Ngọc (Theo Medical News Today)