Đau ngực vào buổi sáng có thể là dấu hiệu nhận biết cơn đau tim. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cơn đau tim còn được gọi là nhồi máu cơ tim cấp, xảy ra khi cơ tim không nhận đủ lượng máu cần thiết.
Theo bác sĩ John Higgins, Trung tâm Khoa học Y tế Đại học Texas tại Houston, Mỹ, thời gian cao điểm của cơn đau tim là khoảng 6h30. Bác sĩ John Higgins giải thích lúc này hệ thống sinh học của cơ thể tiết ra một lượ ng hormone căng thẳng còn gọi là chất gọi là chất ức chế hoạt hóa plasminogen khiến máu đặc hơn và khó lưu thông đến các cơ quan khác, gồm cả tim.
Ngoài đau thắt ngực, các dấu hiệu phổ biến khác của cơn đau tim có thể bao gồm: cảm thấy yếu ớt, lâng lâng hoặc ngất xỉu; đau hoặc khó chịu ở hàm, cổ hoặc lưng; đau hoặc khó chịu ở một hoặc cả hai cánh tay hoặc vai, hụt hơi...
Viêm màng ngoài tim
Một cơn đau ngực dữ dội, thường xuất hiện nhanh chóng, là triệu chứng phụ phổ biến của viêm màng ngoài tim. Đây là tình trạng màng ngoài tim (màng mỏng, giống như túi bao quanh tim) bị sưng và kích ứng.
Khi nằm xuống hoặc hít thở sâu có thể làm trầm trọng thêm cơn đau ngực liên quan đến viêm màng ngoài tim. Do đó, người bệnh có nhiều khả năng cảm nhận rõ rệt hơn khi nằm trên giường. Cảm giác khó chịu thường giảm bớt khi ngồi dậy hoặc cúi người về phía trước.
Các triệu chứng khác của viêm màng ngoài tim có thể bao gồm: đau lan sang vai trái, cổ; ho; mệt mỏi hoặc cảm giác yếu ớt; chân bị sưng tấy; sốt nhẹ; nhịp tim nhanh; khó thở khi nằm; đau khi nuốt...
Viêm cơ tim
Viêm cơ tim có thể là nguyên nhân khiến bạn bị đau ngực vào buổi sáng. Cơ tim bị viêm thường do nhiễm virus gây ra. Các triệu chứng phổ biến khác của tình trạng viêm cơ tim bao gồm: đau nhói hoặc đau ngực, hụt hơi, đánh trống ngực, đau cơ hoặc khớp, mệt mỏi và cảm giác không muốn ra khỏi giường vào buổi sáng...
Đau thắt ngực
Đau thắt ngực là cơn đau ngực do không đủ máu và oxy cung cấp cho cơ tim do bệnh động mạch vành (hẹp động mạch tim). Các động mạch vành bị thu hẹp không cho phép lưu lượng máu bổ sung để cung cấp thêm lượng oxy cần thiết cho tim. Điều này dẫn đến đau ngực. Các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn vào buổi sáng là do nhịp sinh học làm tăng các hormone gây căng thẳng khiến tim bơm máu mạnh hơn và làm trầm trọng thêm cơn đau thắt ngực.
Ngoài đau ngực, các triệu chứng đau thắt ngực có thể bao gồm: đau ở cánh tay, cổ, hàm, vai hoặc lưng; chóng mặt; mệt mỏi; buồn nôn; hụt hơi; đổ mồ hôi...
Chấn thương ở ngực
Chấn thương hoặc căng cơ có thể là nguyên nhân gây ra cơn đau ngực vào buổi sáng. Đau ngực do chấn thương cơ xương thường dữ dội và cục bộ. Viêm do chấn thương như một cú đánh vào ngực hoặc nâng vật nặng, vặn mình là nguyên nhân điển hình của đau ngực do chấn thương.
Đau cơ xương thường trở nên nghiêm trọng hơn khi ấn vào vùng đó hoặc thực hiện một số động tác nhất định. Đây là cách có thể phân biệt giữa đau ngực do các vấn đề cơ bắp và đau ngực liên quan đến bệnh tim.
Bệnh phổi
Các vấn đề về phổi cũng có thể khiến bạn thức dậy với cơn đau nhói ở ngực. Tắc mạch phổi (cục máu đông nằm trong các mạch máu của phổi) là nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ngực liên quan đến phổi và thường bắt đầu bằng một cơn đau đột ngột, dữ dội. Ở người bệnh tắc mạch máu phổi, tình trạng đau nhói tăng nặng hơn khi hít vào hoặc thở ra.
Các dấu hiệu khác của tắc mạch phổi có thể bao gồm: khó thở đột ngột; đau nhói không rõ nguyên nhân ở cánh tay, vai, cổ hoặc hàm; ho có hoặc không đờm lẫn máu. Bên cạnh đó, người bệnh còn có thể gặp tình trạng da nhợt nhạt, xanh xao; tim đập loạn nhịp; đổ quá nhiều mồ hôi; thở khò khè; cảm thấy lo lắng, lâng lâng, ngất xỉu hoặc bất tỉnh...
Cơn hoảng loạn
Đôi khi cơn đau ngực vào buổi sáng có thể do một tổn thương tinh thần hơn là thể chất. Sự sợ hãi hoặc lo lắng dữ dội thường có triệu chứng tương đồng với cơn nhồi máu cơ tim. Trong cơn hoảng loạn, một người có thể bị đau ngực dẫn đến khó thở và tim đập nhanh.
Ngoài ba triệu chứng trên, các dấu hiệu khác của cơn hoảng loạn có thể bao gồm: lo lắng tột độ, mất kiểm soát, đổ mồ hôi, run rẩy, ớn lạnh, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, lâng lâng hoặc ngất xỉu...
Nếu nguyên nhân gây đau ngực là các bệnh lý như cơn đau tim, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim... người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt. Người bệnh bị viêm màng ngoài tim cần tránh các bài tập có cường độ cao trong khi điều trị. Thay vào đó, người bệnh có thể tập các bài tập cường độ thấp như đi bộ, đạp xe và yoga.
Người bị đau ngực do nguyên nhân tâm lý có thể thăm khám với bác sĩ tâm lý. Thư giãn bằng cách thiền, hít thở sâu và tập thể dục thường xuyên cũng giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
Bảo Bảo (Theo Livestrong)