Thường xuyên vận động
Tập thể dục thường xuyên giúp kiểm soát các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh tim, gồm: đường máu, cholesterol, huyết áp và trọng lượng cơ thể. Một số bài tập thể dục nhịp điệu mang đến lợi ích cho sức khỏe và cũng giữ cho cơ tim khỏe mạnh. Đặt mục tiêu tập luyện vừa phải trong 30 phút, ít nhất 5 ngày mỗi tuần.
Ngoài ra, các bài tập đi bộ nhanh, đạp xe hoặc bơi lội cũng có lợi cho tim mạch. Nếu chưa quen với việc tập luyện, hãy chia thành các bài tập nhỏ trong 10 phút, vừa đủ để đổ mồ hôi.
Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc từ 7-9 giờ mỗi đêm đối với người lớn có thể giúp ngăn ngừa cơn đau tim. Nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí American College of Cardiology cho thấy những người ngủ quá ít có nguy cơ ngừng tim đột ngột cao hơn 20%. Tuy nhiên, ngủ quá nhiều lại làm tăng tỷ lệ này lên tới 34% và hiện chưa có nghiên cứu nào lý giải vấn đề này.
TS.BS Guy Mintz, Giám đốc Khoa tim mạch tại Bệnh viện tim Sandra Atlas Bass ở New York, Mỹ, cho biết các vấn đề về giấc ngủ như chứng ngưng thở do tắc nghẽn, rối loạn giấc ngủ khiến hơi thở bị gián đoạn. Điều này có thể dẫn đến viêm và hẹp động mạch, cả hai đều làm tăng nguy cơ đau tim.
Tránh căng thẳng
Sức khỏe tinh thần và tim mạch có mối liên hệ với nhau. Ban đầu, căng thẳng gây ra chứng viêm khắp cơ thể và dần dần có thể dẫn đến bệnh tim. Cảm giác khó chịu, liên tục bị stress tại nơi làm việc, làm việc kéo dài... có thể làm tăng nguy cơ đau tim của một người.
Nếu không thể thay đổi công việc, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để kiểm soát căng thẳng. Trong đó, các bài tập thở sâu, thở chánh niệm (mang suy nghĩ vào hơi thở, đưa sự chú tâm xuống bụng), thiền, thái cực quyền hoặc yoga có thể mang đến lợi ích.
Bỏ thuốc lá
Bỏ thuốc lá có thể phòng ngừa được các bệnh lý liên quan đến phổi, tim... Hút thuốc không chỉ gây hại cho phổi mà còn gây viêm và thu hẹp các mạch máu, cả hai đều làm tăng khả năng bị đau tim. Nếu không thể tự bỏ thuốc lá, hãy tìm kiếm một vài biện pháp hỗ trợ từ các chuyên gia y tế.
Chú ý đến huyết áp
Huyết áp cao được coi là "kẻ giết người" thầm lặng. Tuy không có triệu chứng rõ ràng nhưng sự dao động của chỉ số huyết áp có thể dẫn đến một cơn đau tim. Huyết áp khỏe mạnh là khoảng 120/80 hoặc thấp hơn.
Nếu chỉ số huyết áp cao hơn, dùng thuốc hạ huyết áp hoặc áp dụng một số thay đổi lối sống cũng có thể hữu ích. Trong đó, giảm cân (với người thừa cân), tập thể dục nhiều, tuân theo một kế hoạch ăn uống lành mạnh, ít muối, nhiều rau xanh, trái cây, các loại hạt có thể mang lại hiệu quả.
Kiểm tra lượng cholesterol
Giữ cho trái tim khỏe mạnh bằng cách theo dõi lượng cholesterol, chất có vai trò bảo vệ các dây thần kinh và xây dựng các tế bào mới. Cơ thể tự tạo ra cholesterol nhưng đôi khi một số thực phẩm như sữa, trứng và thịt có thể khiến cholesterol tăng cao. Điều này khiến chất béo tích tụ trong thành động mạch, thu hẹp và dẫn đến bệnh tim.
Có hai loại cholesterol: HDL - "tốt" và LDL - "xấu". Để cơ thể khỏe mạnh, chỉ số cholesterol HDL phải từ 60 trở lên và LDL phải dưới 100.
Kiểm soát bệnh tiểu đường
Tiểu đường có thể dẫn đến bệnh tim mạch. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, lượng đường trong máu cao không được kiểm soát sẽ phá hủy các mạch máu và các dây thần kinh (các dây thần kinh này chi phối các mạch máu cũng như trái tim).
Bên cạnh đó, các mối nguy hại khác thường đi kèm với bệnh tiểu đường như béo phì, huyết áp cao, cholesterol cao và lười vận động cũng có thể gây hại cho sức khỏe tim mạch. Duy trì kế hoạch ăn uống lành mạnh, tích cực tập thể dục và dùng thuốc trị tiểu đường là cách giúp kiểm soát đường huyết ổn định, đồng thời cũng giúp phòng ngừa các cơn đau tim.
Uống rượu vừa phải
Một nghiên cứu cho thấy thường xuyên uống nhiều rượu làm tăng đáng kể nguy cơ đau tim. Thưởng thức một cốc bia hoặc một ly rượu vang vào bữa tối là điều bình thường nhưng hãy uống một cách điều độ. Mức rượu khuyến nghị mỗi ngày với phụ nữ là một ly hoặc 2 ly với nam giới. Uống nhiều hơn làm tăng huyết áp, tăng chất béo trong máu và dẫn đến tăng cân, tất cả đều gây hại cho trái tim.
Đi khám bệnh định kỳ
Duy trì kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây ra đau tim. Theo đó, bác sĩ sẽ theo dõi huyết áp, mức cholesterol "tốt" và "xấu", đường huyết và kiểm tra hàm lượng chất béo. Chất béo tăng cao có liên quan đến việc tăng nguy cơ tim mạch.
Bảo Bảo (Theo Health Central)