Kiểm soát đường huyết là một phần quan trọng trong quản lý bệnh tiểu đường. Vì theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến tổn thương thần kinh, bệnh thận và các vấn đề về thị lực. Người bị tiểu đường type 2 cũng có nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ cao gấp đôi người không mắc bệnh.
Dưới đây là 6 thực phẩm hỗ trợ ổn định đường huyết cho người tiểu đường.
Quả việt quất
Ăn việt quất có thể thỏa cơn thèm ngọt, cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu như chất xơ và vitamin C, ít tác động đến đường huyết.
Theo nghiên cứu năm 2020 của Trường Đại học Prince Edward, Canada và một số đơn vị, 52 người bệnh tiểu đường type 2 tiêu thụ 22 g việt quất mỗi ngày trong 8 tuần cải thiện mức A1C (đường huyết trung bình trong ba tháng) và chất béo trung tính. Họ cũng có sức khỏe tim mạch tốt hơn sau 8 tuần dùng việt quất.
Quả óc chó
Ăn quả óc chó có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nghiên cứu năm 2021 của Trường Đại học Loma Linda, Canada, trên 708 người, cho thấy người ăn từ 5 khẩu phần quả óc chó trở lên mỗi tuần (mỗi khẩu phần khoảng 28 g) có nguy cơ tử vong vì bệnh tim thấp hơn 23% so với người không ăn thực phẩm này.
Theo nghiên cứu khác năm 2010 của Trường Đại học Yale, Mỹ, 34 người tiểu đường ăn 56 g quả óc chó mỗi ngày trong 8 tuần cải thiện chức năng của niêm mạc mạch máu, giảm khả năng mắc bệnh tim.
Mận khô
Mận sấy khô là lựa chọn lành mạnh cho người bệnh tiểu đường vì lượng chất xơ cao và chỉ số đường huyết (GI) thấp.
Đánh giá năm 2013 của Trường Đại học Illinois, Mỹ, dựa trên 5 nghiên cứu, chỉ ra ăn vặt bằng mận khô có thể giúp no lâu hơn và giảm lượng ăn trong ngày. Điều này hỗ trợ giảm nguy cơ béo phì, tiểu đường và các bệnh tim mạch; không làm tăng cao đường huyết và insulin.
Xương của người bệnh tiểu đường có thể yếu hơn, tăng nguy cơ gãy xương so với người không mắc bệnh này. Mận khô cung cấp boron và kali cần thiết cho sức khỏe của xương. Ăn 5-6 quả mận mỗi ngày có thể ngăn ngừa mất xương ở phụ nữ sau mãn kinh.
Yến mạch
Yến mạch cung cấp chất xơ hòa tan dồi dào, giàu β-glucan làm giảm phản ứng glucose và insulin sau bữa ăn. Tiêu thụ chất xơ có thể thúc đẩy quản lý đường huyết tốt hơn, do nó được tiêu hóa lâu hơn, làm chậm quá trình hấp thụ glucose (đường) vào máu.
Theo phân tích tổng hợp năm 2015 của Trường Đại học Tứ Xuyên, Trung Quốc, dựa trên 5 nghiên cứu, ăn yến mạch thường xuyên có tác dụng giảm đường huyết lúc đói, cholesterol xấu (LDL) và cholesterol toàn phần ở người bệnh tiểu đường.
Sữa chua không đường
Sữa chua không đường giàu protein có lợi cho người bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu năm 2019 của Trường Đại học Đông Ngô, Trung Quốc, protein sữa làm tăng phản ứng insulin và giảm phản ứng đường huyết sau bữa ăn ở cả người khỏe mạnh và người bệnh tiểu đường type 2.
Uống sữa chua tăng cường vitamin D hàng ngày, bổ sung canxi tốt cho xương. Men vi sinh có trong sữa chua góp phần kiểm soát đường huyết.
Cá hồi
Cá hồi giàu axit béo omega-3 tốt cho tim. Nghiên cứu công bố năm 2016 của Trường Đại học Dongguk-Seoul, Hà Quốc và một số đơn vị, trên hơn 4.300 người, cho thấy ăn nhiều cá béo như cá hồi giảm nguy cơ huyết áp cao và chỉ số cholesterol xấu.
Nghiên cứu công bố năm 2003 của Trường Y tế Công cộng Harvard, Mỹ, trên hơn 5.000 phụ nữ mắc tiểu đường, chỉ ra tiêu thụ cá béo giàu axit béo omega-3 nhiều hơn giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim. Người bệnh tiểu đường nên ăn cá béo (cá hồi, cá ngừ, cá mòi...) hai lần một tuần để giảm biến chứng tim mạch.
Mai Cat (Theo Very Well Health)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |