BS. CKII Trần Thùy Ngân, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, bệnh cường giáp thường gặp từ 20-40 tuổi, với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung nhĩ, suy tim, rối loạn tâm thần, yếu cơ, teo cơ, viêm gan, giảm thị lực, khó thở. Nếu không điều trị kịp, người bệnh rơi vào cơn bão giáp, tỷ lệ tử vong 10-30%.
Người bị cường giáp thường có cổ to, giảm cân, nhịp tim nhanh (thường hơn 100 nhịp mỗi phút), loạn nhịp, tim đập thình thịch (đánh trống ngực), lo lắng, run nhẹ ở tay, đổ mồ hôi, giảm kinh nguyệt, tiêu chảy, mệt mỏi, yếu cơ, khó ngủ, mỏng da, tóc mỏng dễ rụng...
Dù thực phẩm không chữa khỏi bệnh cường giáp nhưng chất dinh dưỡng, khoáng chất trong một số thực phẩm giúp kiểm soát tình trạng cơ bản của bệnh, hạn chế biến chứng xảy ra. Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến cả việc sản xuất hormone, cách tuyến giáp hoạt động. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh cường giáp cần hạn chế hoặc tránh.
Thực phẩm giàu iốt
Ăn quá nhiều thực phẩm giàu iốt hoặc tăng cường iốt sẽ dẫn đến bệnh cường giáp hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng hơn.
Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH), liều lượng iốt được khuyến nghị hàng ngày đối với bệnh nhân cường giáp khoảng 150 mcg (0,15 mg), thậm chí cần ăn ít iốt hơn. Người bệnh cần hạn chế các loại hải sản chứa nhiều iốt như cá, rong biển, tôm, cua, sushi, tảo... Các loại thực phẩm khác có nhiều iốt như sữa, bơ, phô mai, lòng đỏ trứng, muối iốt, một số chất tạo màu thực phẩm, thuốc có chứa iốt (amiodarone - Nexterone, sirô ho, thảo dược, thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung vitamin) cũng nên tránh.
Thực phẩm có hàm lượng đường cao
Theo bác sĩ Ngân, bệnh nhân cường giáp có dấu hiệu rối loạn chuyển hóa carbohydrate, dẫn đến khó kiểm soát lượng đường huyết trong cơ thể. Bệnh nhân cường giáp ăn nhiều đường còn làm tăng mức độ hồi hộp. Hạn chế sử dụng các thực phẩm chứa nhiều đường như nước ngọt, bánh kẹo... giúp phòng tránh gây hại cho sức khỏe.
Các loại chất béo "xấu"
Chất béo "xấu" còn gọi là chất béo bão hòa, đông đặc ở nhiệt độ bình thường, khiến cơ thể sản sinh ra cholesterol xấu (LDL), làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cản trở khả năng hấp thụ thuốc thay thế hormone tuyến giáp của cơ thể. Loại chất béo này còn làm giảm khả năng sản xuất hormone thyroxine (T4) của tuyến giáp, gây khó tiêu hóa. Sốt mayonnaise, bơ thực vật... là thực phẩm chứa chất béo "xấu" với người mắc căn bệnh này.
Cà phê
Thực phẩm, đồ uống có chứa caffeine như cà phê, trà, soda, chocolate... làm các triệu chứng của cường giáp nặng hơn, dẫn đến tăng lo lắng, căng thẳng, khó chịu, nhịp tim nhanh. Người bệnh nên tránh hoặc hạn chế dùng những loại nước uống này, thay thế bằng trà thảo mộc tự nhiên, nước có hương vị hoặc rượu táo nóng để bảo vệ sức khỏe.
Rượu, bia
Rượu làm tăng nguy cơ tiến triển bệnh nặng hơn do tuyến giáp phản ứng quá mức với hormone kích thích tuyến giáp. Rượu làm tăng mức độ khó chịu, gây căng thẳng ở những người cường giáp. Do đó, hạn chế hoặc không uống rượu giúp giảm biến chứng xảy ra.
Sữa tươi nguyên kem
Sữa là thực phẩm giàu canxi tốt cho sức khỏe, tuy nhiên, sữa nguyên chất, sữa tươi nguyên kem thường chứa nhiều chất béo. Người bệnh cường giáp tránh sử dụng do khó tiêu hóa. Khi sử dụng sữa, bạn nên chọn các sản phẩm từ sữa tách béo để bảo vệ sức khỏe, giúp tiêu hóa tốt.
Cùng với việc sử dụng thực phẩm đúng cách, người bị cường giáp cần khám sức khỏe định kỳ với bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường. Nhờ đó, bác sĩ có thể sớm phát hiện những bất thường và điều trị kịp thời.
Mai Hoa