Tắc ruột xảy ra khi thức ăn bên trong ruột bị ứ đọng, tích tụ lại gây bít tắc ống tiêu hóa. Tắc ruột do bã thức ăn không hiếm gặp. Không ít trường hợp tắc ruột phải cấp cứu vì ăn những loại trái cây quen thuộc, nhất là người già và trẻ em.
Bác sĩ, Tiến sĩ Vũ Trường Khanh, Trưởng khoa Tiêu hóa - Gan mật - Tụy, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các loại quả có nhiều nhựa, chất tannin, pectin và bã xơ nếu ăn khi đói, dưới tác dụng của axit dạ dày, các chất này dễ bị kết tụ, vón cục. Chúng tạo thành khối bã rắn chắc làm tắc đường ruột, khó đào thải khỏi cơ thể.
Quả hồng
Hồng giàu giá trị dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe do có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa nhưng cũng có nguy cơ gây tắc ruột. Quả hồng có vị chát do chứa nhiều chất tannin trong vỏ, nhất là quả xanh chưa chín, lượng chất xơ hòa tan dồi dào (pectin). Khi hòa trộn với nước và cholesterol trong ruột, pectin tạo thành một chất giống như gel kết dính.
Nếu ăn nhiều, nhất là lúc đói, các chất này kết hợp với hàm lượng bã xơ cao trong quả hồng sẽ kết tụ lại thành khối, làm săn niêm mạc ruột, ảnh hưởng nhu động ruột, gây khó tiêu, đầy bụng, táo bón, tắc ruột. Tốt nhất, mọi người nên ăn hồng chín đỏ hoặc hồng ngâm bớt độ chát.
Quả hồng xiêm
Ngoài cung cấp năng lượng cho cơ thể, hồng xiêm còn có lợi cho sức khỏe tiêu hóa, xương khớp... Tuy nhiên, nếu ăn quá nhiều, nhất là quả chưa chín kỹ, lượng chất tannin nạp vào cơ thể dễ dẫn đến đầy hơi, khó tiêu, táo bón, thậm chí tắc ruột.
Quả sung
Sung giàu chất xơ tự nhiên. Tuy nhiên, sung có thể gây đầy bụng, khó tiêu. Chất tannin và chất xơ dưới tác dụng của axit dạ dày có thể vón lại tạo thành khối bã rắn chắc, khiến ruột bị tắc. Theo đông y, sung có tính nóng, ăn nhiều có nguy cơ xuất huyết hoặc làm tăng thêm triệu chứng đau dạ dày. Chất oxalate trong quả sung có thể kết hợp với canxi tạo thành sỏi. Vì vậy, những người bệnh sỏi thận, sỏi mật nên hạn chế ăn quả sung.
Quả ổi
Mặc dù chứa hàm lượng cao vitamin C tốt cho sức khỏe nhưng ăn ổi ương (chưa chín), ổi còn non, có nhiều vị chát có thể gây hại cho người bệnh dạ dày hoặc táo bón. Ăn ổi chín nhưng không bỏ hạt cũng khiến khó tiêu, cản trở quá trình tiêu hóa. Bác sĩ Khanh cho biết, có nhiều trẻ nhỏ phải nhập viện cấp cứu vì tắc ruột non do ăn nhiều ổi.
Quả thị
Tương tự quả hồng, thị có thể gây hại dạ dày và ruột non khi người lớn, trẻ nhỏ tiêu thụ lượng lớn. Chất tannin trong quả thị kết hợp với axit trong dịch vị dạ dày tạo thành khối bã dính lại thành cục trong lòng ruột, khó tiêu hóa.
Quả sim
Quả sim còn được gọi là hồng sim, dương lê, đào kim nương, sơn nẫm, nẫm tử... Đây là một giống cây rừng thuộc họ quả mọng, khi chín màu tím sẫm, có nhiều hạt nhỏ. Ở nước ta, cây sim mọc hoang trên các vùng đồi núi và ven biển, nhất là đảo Phú Quốc.
Hợp chất phenolic và terpenoid từ lá, rễ hoặc quả của cây sim có tác dụng chống oxy hóa, kháng khuẩn, chống viêm. Tuy nhiên, quả sim cũng chứa chất tannin, ăn nhiều quả sim, nhất là lúc dạ dày rỗng ảnh hưởng xấu đến ruột.
Theo Tiến sĩ Khanh, tắc ruột do bã thức ăn thường gặp ở trẻ em, người già hoặc người có tiền sử phẫu thuật cắt đoạn dạ dày, viêm tụy mạn tính... Những người này sức nhai yếu (răng rụng), hệ tiêu hóa kém, khả năng co bóp của dạ dày và nhu động ruột hạn chế. Khi họ ăn nhiều thức ăn cứng, hàm lượng chất xơ cao, có nhựa chát dễ bị tắc ruột. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh cần phẫu thuật để lấy khối bã. Nếu chậm điều trị có thể gây biến chứng như hoại tử ruột, thủng ruột...
Người lớn và trẻ nhỏ hạn chế ăn các loại quả chứa nhiều tannin, pectin khi đói hoặc ăn cùng với thực phẩm giàu đạm. Mọi người nên uống đủ nước, trung bình 1,5-2 lít mỗi ngày; thức ăn nấu chín mềm; ăn chậm, nhai kỹ. Chế độ ăn nhiều rau xanh có độ nhớt như mồng tơi, rau đay, đậu bắp cũng giúp hệ tiêu hóa dễ lưu thông.
Trịnh Mai