Nếu các thành viên trong gia đình có tầm vóc thấp bé thì trẻ thường phát triển chậm hơn so với bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, chế độ dinh dưỡng hợp lý, bao gồm tổng lượng calo, tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất, có thể tối đa hóa tiềm năng tăng trưởng của trẻ.
Chất đạm
Trẻ em tiêu thụ quá ít chất đạm trong chế độ ăn có thể không đạt tiềm năng tăng trưởng đầy đủ. Bé 1-3 tuổi nên tiêu thụ 13 g; bé 4-8 tuổi cần ít nhất 19 g; độ tuổi 9-13 tối thiểu là 34 g chất đạm mỗi ngày.
Thực phẩm giàu chất đạm bao gồm thịt nạc, cá, gà tây, thịt gà, trứng, các sản phẩm từ đậu nành, thực phẩm từ sữa, quả hạch và hạt. Thực phẩm giàu đạm từ động vật có nhiều lợi ích giúp trẻ phát triển tối ưu.
Canxi
Canxi cần thiết cho xương và răng, chức năng thần kinh, cơ và tim mạch, ngăn ngừa đông máu. Trẻ nhỏ cần canxi và vitamin D để ngăn ngừa bệnh còi xương. Các loại rau lá xanh, sản phẩm từ sữa như sữa, sữa chua, đậu nành, phô mai nhiều canxi.
Sắt
Thiếu sắt là một trong những tình trạng thiếu chất dinh dưỡng phổ biến nhất ở trẻ em, chủ yếu là bé gái. Chất dinh dưỡng này tạo ra các tế bào hồng cầu mang oxy đi khắp cơ thể, giúp trẻ phát triển. Trẻ cần từ 7 miligam đến 15 miligam sắt mỗi ngày phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi.
Thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, đậu, rau lá xanh, cá ngừ, trứng, đậu khô, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc tăng cường vi chất này.
Vitamin
Nhiều loại vitamin đóng vai trò riêng biệt trong sự tăng trưởng của trẻ. Cụ thể, vitamin D giúp xương chắc khỏe hơn, cải thiện sự hấp thụ canxi. Vitamin A tăng cường sức khỏe của mắt. Vitamin C và E góp phần nâng cao hệ thống hệ miễn dịch.
Chất béo
Chất béo cung cấp năng lượng, hỗ trợ hoạt động của các cơ quan và quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, trẻ 2-3 tuổi nên có tổng lượng chất béo hàng ngày chiếm 30-35% lượng calo, con số này ở trẻ 4-18 tuổi là 25-35%. Dầu ăn, thịt cá, quả hạch... có chứa chất béo lành mạnh.
Carbohydrate
Cùng với chất béo, carbohydrate cung cấp năng lượng, phát triển cơ bắp và thúc đẩy sức khỏe tiêu hóa. Không nên cắt giảm lượng carb của trẻ nhỏ. Trẻ nên tiêu thụ nhiều tinh bột và chất xơ hơn thay vì tăng lượng đường. Thực phẩm chứa hàm lượng carbohydrate cao là bánh mì, gạo, ngũ cốc, khoai tây...
Ngoài việc ăn các món giàu chất dinh dưỡng, phụ huynh cần đảm bảo lượng calo phù hợp cho con. Thừa calo dễ dẫn đến tăng cân.
Lê Nguyễn (Theo Livestrong, Onlymyhealth)
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |