Cơ thể cần vitamin và khoáng chất để duy trì nhiều chức năng. Thiếu hụt dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến cách cơ thể hoạt động, nhất là tim. Dưới đây là những dưỡng chất nên có trong bữa ăn mỗi ngày cần thiết cho tim.
Magiê
Magiê có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe, từ viêm nhiễm đến trầm cảm, đau nửa đầu. Huyết áp cao là yếu tố nguy cơ gây bệnh tim cũng có liên quan đến thiếu hụt chất dinh dưỡng này. Các loại rau lá xanh đậm như cải xoăn, rau bina, cải rổ; cá hồi, bơ, chuối, sữa chua ít béo, hạt giàu magiê. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng cụ thể nếu cần bổ sung magiê.
Kali
Lượng kali trong cơ thể thấp có thể dẫn đến bất thường về nhịp tim, làm suy yếu cơ bắp. Thực phẩm giàu kali bao gồm khoai tây, đậu thận, chuối, bơ, cà chua phơi nắng, sữa, cá hồi và cá ngừ. Theo Viện Y tế Quốc gia Mỹ, lượng kali khuyến nghị của nam giới trưởng thành khỏe mạnh là 3.400 mg và 2.600 mg mỗi ngày đối với phụ nữ. Người sử dụng các chất bổ sung cần thận trọng vì hàm lượng kali cao có thể gây ra nhịp tim không đều.
Vitamin D
Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao, đau tim và đột quỵ. Loại vitamin này hỗ trợ cơ thể sử dụng canxi hiệu quả hơn. Nó có nhiều trong thực phẩm như lòng đỏ trứng, cá hồi, cá ngừ và nước cam tăng cường. Bác sĩ dinh dưỡng có thể tư vấn về liều lượng bổ sung vitamin D thích hợp cho người đang bị thiếu hụt.
Canxi
Canxi đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa huyết áp. Nồng độ canxi thấp có thể làm tăng huyết áp, đẩy nhanh sự phát triển của rối loạn tim mạch như bệnh tim, đột quỵ nếu không được kiểm soát. Chế độ ăn nhiều sữa chua, sữa, ngũ cốc tăng cường, đậu nành cung cấp thêm lượng canxi, có lợi cho tim và xương. Lượng canxi cơ thể cần tùy thuộc vào độ tuổi và giới tính. Tham khảo ý kiến bác sĩ để biết liều lượng phù hợp khi cần bổ sung.
Vitamin B
Vitamin B6, B12 và B9 có tác dụng tăng cường sức khỏe tim mạch. Vitamin nhóm B hỗ trợ sản xuất các tế bào hồng cầu mới, giúp cải thiện tuần hoàn bằng cách cung cấp oxy cho các mô, cơ quan.
Sắt
Sắt là khoáng chất thiết yếu giúp cơ thể xây dựng các tế bào hồng cầu. Nó có hai dạng heme và nonheme. Sắt dạng heme có trong thịt đỏ, cá và gia cầm; loại nonheme có trong thực vật như các loại đậu.
Người ăn chay thường thiếu sắt vì cơ thể không hấp thụ sắt nonheme tốt như sắt heme. Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia Mỹ, thiếu máu do thiếu sắt không được điều trị có thể khiến tim phải làm việc nhiều hơn, từ đó dẫn đến nhịp tim không đều, suy tim. Nam và nữ giới trên 51 tuổi nên tiêu thụ 8 mg sắt, trong khi ở tuổi 19-50 là 18 mg sắt mỗi ngày.
Bảo Bảo (Theo Everyday Health, Times of India)
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tim mạch tại đây để bác sĩ giải đáp |