ThS.BSCKI Nguyễn Tuấn Phong, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết nóng rát dạ dày là triệu chứng thường gặp ở người mắc bệnh viêm loét dạ dày, trào ngược, hội chứng ruột kích thích... Một số đồ uống dưới đây góp phần làm giảm triệu chứng nóng, khó chịu ở dạ dày.
Nước lọc bổ sung đủ lượng nước mà cơ thể cần góp phần duy trì độ ẩm, hỗ trợ phục hồi niêm mạc dạ dày đang tổn thương. Nước lọc còn làm loãng axit dạ dày, giảm các triệu chứng nóng rát, ợ nóng, ợ chua, khó tiêu, đau dạ dày... Người lớn nên uống khoảng 1,5-2 lít nước một ngày để tối ưu hiệu quả đào thải độc tố, góp phần giúp hệ tiêu hóa hoạt động ổn định.
Trà gừng không chứa caffein, có đặc tính kháng khuẩn, hỗ trợ làm dịu niêm mạc dạ dày. Gừng chứa nhiều hợp chất gingerol, ức chế sự phát triển của vi khuẩn H. pylori thông qua các cơ chế chống bám dính, kháng khuẩn, điều hòa miễn dịch, góp phần giảm nóng rát dạ dày và các triệu chứng khác. Uống trà gừng với lượng vừa đủ còn hỗ trợ cung cấp chất chống oxy hóa, kháng viêm, thúc đẩy tổn thương ở niêm mạc dạ dày mau hồi phục.
Trà hoa cúc cũng không có caffeine vì được làm từ hoa cúc phơi khô thay vì lá trà. Nhờ hàm lượng chất chống oxy hóa flavones cao nên trà hoa cúc có thể ngăn chặn phản ứng viêm nhiễm, làm dịu các vấn đề về dạ dày. Loại trà thảo mộc này còn hỗ trợ giảm tình trạng căng thẳng, tránh gây trào ngược axit.
Nước dừa có hàm lượng magie, kali và canxi, có khả năng ức chế hoạt động của vi khuẩn có hại trong hệ tiêu hóa, loại bỏ vi khuẩn có hại. Nước dừa tươi còn có tính kiềm mạnh mẽ, giúp trung hòa axit dư thừa ở dạ dày, giảm tổn thương niêm mạc.

Bác sĩ Phong khám cho bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sữa hạt cung cấp axit béo không bão hòa omega-3 và chất chống oxy hóa polyphenol có thể ức chế cytokine - tác nhân gây viêm nhiễm dạ dày. Bổ sung sữa hạt vào chế độ dinh dưỡng hỗ trợ làm giảm triệu chứng nóng rát dạ dày và nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa. Sữa hạt có nhiều loại như hạt óc chó, hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ, macca...
Sữa chua uống không đường có tính axit thấp và không chứa chất gây viêm nên an toàn với sức khỏe hệ tiêu hóa. Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn như lactobacillus acidophilus có lợi cho dạ dày và đường ruột, hỗ trợ ức chế vi khuẩn HP bằng cách tạo nên axit lactic và hydroperoxide, qua đó làm dịu dạ dày.
Nước nghệ mật ong pha ấm không chỉ giúp làm dịu căng thẳng mà còn cải thiện chứng nóng rát dạ dày. Hàm lượng curcumin cao trong củ nghệ có đặc tính kháng viêm mạnh, góp phần kiểm soát tiết axit dịch vị.
Nước ép từ rau củ quả như cà rốt, chuối, táo, rau chân vịt, dưa leo... không chỉ có tính axit thấp mà còn cung cấp chất chống oxy hóa, vitamin dồi dào, góp phần bảo vệ sức khỏe hệ tiêu hóa, thúc đẩy quá trình chữa lành tổn thương.
Khi có biểu hiện nóng rát dạ dày, người bệnh cần sớm đến bệnh viện để bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa kiểm tra, xác định bệnh và đưa ra phác đồ điều trị kịp thời, phù hợp. Bác sĩ cũng tư vấn cho người bệnh chế độ ăn uống hỗ trợ cải thiện triệu chứng và nâng cao sức khỏe hệ tiêu hóa.
Bên cạnh phác đồ điều trị phù hợp, người bệnh nên sử dụng thức uống chứa nhiều men vi sinh (probiotic), rau củ ít axit, giàu vitamin, đậu... Hạn chế các loại đồ uống có gas hoặc chứa cồn, caffeine, thức ăn chua, giàu axit, thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ.
Thảo Nhi
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |