Theo BS.CKII Lê Thanh Hùng - Trung tâm Sản Phụ khoa BVĐK Tâm Anh TP HCM, khoảng 20% trường hợp mang thai có khả năng gặp nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, thai phụ, thai nhi. Thai kỳ nguy cơ cao có thể để lại hậu quả như: thai nhi kém phát triển, thai chết lưu, sảy thai, suy thai cấp, mạn tính, trẻ sinh ra bị dị dạng, thiểu năng trí tuệ, có nguy cơ mắc bệnh lý di truyền bẩm sinh. Mẹ có nguy cơ cao cần can thiệp y tế trong, sau sinh, tăng tỷ lệ sinh mổ, ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí bị đe dọa tính mạng.
Do đó, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nên chuẩn bị tốt về sức khỏe, kiến thức, chủ động trong việc xây dựng kế hoạch mang thai.
Tuổi mang thai
Bác sĩ Thanh Hùng thông tin, phụ nữ từ 18-35 tuổi mang thai an toàn, ít có nguy cơ. Phụ nữ tuổi sinh con phù hợp nhất từ 20-29 tuổi. Chị em mang thai trước 18 tuổi thuộc đối tượng nguy cơ cao, vì cơ thể chưa phát triển toàn diện, đặc biệt khung xương chậu, dẫn đến sinh khó, tỷ lệ mổ lấy thai cao. Ngược lại, người mẹ trên 35 tuổi có nguy cơ xuất hiện một số bệnh lý như huyết áp, tiểu đường. Thực tế, có nghiên cứu cho rằng, phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ bất thường về nhiễm sắc thể cao hơn so với thai phụ mang thai ở độ tuổi thấp hơn.
Cân nặng
Chị em chuẩn bị mang thai cần chú ý cân nặng trước khi có ý định sinh con, vì thừa cân hoặc thiếu cân đều ảnh hưởng đến thai kỳ. Các bác sĩ sản khoa dựa vào chỉ số cơ thể (BMI) cân nặng để đưa ra giải pháp tư vấn, theo dõi thai kỳ. Nếu phụ nữ không biết tính toán chỉ số BMI có thể dựa vào chỉ số cân nặng.
Thai phụ trước mang thai có cân nặng <40kg được đánh giá gầy quá, mang thai có nhiều nguy cơ, thai chậm tăng trưởng. Ngược lại, thai phụ có cân nặng >85kg trước mang thai là thừa cân/béo phì. Ngoài khó thụ thai, phụ nữ béo phì có nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa như cao huyết áp, tiểu đường, với nhiều biến chứng nguy hiểm cho mẹ, con.
Tiền căn sản khoa
Đối với những mẹ bầu có tiền căn sản khoa như sinh mổ, sẩy thai, sinh non, khi sinh băng huyết, huyết áp cao thai kỳ, sinh nhiều lần đều được đánh giá thai kỳ nguy cơ cao. Phụ nữ mag thai nhiều lần, mẹ bầu một lần sinh mổ được coi là đối tượng nguy cơ. Bởi lẽ sinh nhiều lần, tử cung giãn nhiều, khiến sản phụ có thể gặp tình trạng băng huyết sau sinh.
Tiền căn bệnh phụ khoa
Thai phụ có một số bệnh lý phụ khoa nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình mang thai sau này như: u xơ tử cung, bệnh viêm nhiễm sinh dục, bệnh lây truyền qua đường tình dục. "Người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, buộc phải phải điều trị trước mang thai", bác sĩ Thanh Hùng lưu ý.
Ngoài ra, chị em trước khi chuẩn bị mang thai cần điều chỉnh những thói quen gây hại cho sức khỏe như: bỏ thuốc lá, rượu, bia, chất gây nghiện. Trường hợp sử dụng thuốc điều trị, thuốc giảm cân, thuốc trị mụn phải tạm ngưng một thời gian mới nên chuẩn bị mang thai.
Môi trường độc hại
Chị em làm việc trong môi trường độc hại khi chuẩn bị mang thai cần cân nhắc chuyển đổi công việc phù hợp. Một số công việc có thể ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ, thai nhi như: y bác sĩ làm việc trong khoa điều trị bệnh truyền nhiễm, phụ nữ có tiếp xúc các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ, hóa chất có khả năng gây biến đổi gen, ung thư; các công việc ở môi trường bị ô nhiễm bởi điện từ trường; công việc trong sản xuất cao su (phôi liệu, cân đong...); làm việc ở lò lên men thuốc lá, thuốc lào, lò sấy điếu thuốc lá...
Bệnh lý mạn tính
Phụ nữ có bệnh lý mạn tính như: tiểu đường, cao huyết áp, cường giáp, viêm gan, bệnh truyền nhiễm mạn tính khi muốn có thai cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Bởi lẽ, một số bệnh phải dùng thuốc suốt đời, có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Tốt nhất để đề phòng biến chứng trong thai kỳ, chị em cần điều trị ổn định bệnh mãn tính.
Để phát hiện yếu tố nguy cơ khi mang thai, thai phụ nên đi khám để bác sĩ tư vấn, tầm soát yếu tố nguy cơ. Việc khám sức khỏe giúp phát hiện vấn đề bất thường, kịp điều trị bệnh lý ổn định khi có kế hoạch sinh sản.
Theo bác sĩ Thanh Hùng, phụ nữ có thai kỳ nguy cơ cao nên chọn bệnh viện uy tín để theo dõi thai kỳ. Bệnh viện đa khoa có chuyên khoa sản sẽ thuận tiện trong việc chăm sóc toàn diện cho thai phụ.
Tuệ Diễm