Bác sĩ CKI Nguyễn Thị Kim Dung, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết nổi mề đay (còn gọi mày đay) là bệnh da liễu rất phổ biến, với 15-25% dân số thế giới bị ít nhất một lần trong đời. Bệnh gây nổi sẩn phù với quầng đỏ, có kích thước từ 1 mm đến vài cm, tồn tại trong 30 phút đến 36 giờ. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng có hai nhóm tuổi dễ bị nhất: trẻ dưới 9 tuổi và người 30-40 tuổi.
Nổi mề đay xảy ra khi một tác nhân nào đó kích hoạt bên trong cơ thể khiến lượng histamin và các chất dẫn truyền hóa học khác được giải phóng quá nhiều. Những chất này làm cho các mạch máu ở vùng da phản ứng dẫn đến phù cấp hoặc phù mạn tính và rò rỉ. Các nốt mề đay thường xuất hiện với màu đỏ hoặc hồng, chất lỏng rò rỉ trong các mô gây sưng tấy và ngứa.
Mề đay có thể nổi ở khắp các bộ phận của cơ thể như: tay, chân, mắt, môi, lưỡi, cổ, lưng, bụng và cả bộ phận sinh dục.
Đây là phản ứng lành tính của da, chủ yếu gây ngứa, da nổi sần. Do đó, trước hết người bệnh cần phòng ngừa bằng cách:
Tránh tiếp xúc với các yếu tố gây nổi mề đay: Bao gồm côn trùng cắn, stress, ánh nắng mặt trời, một số thành phần dị ứng trong thuốc điều trị (kháng sinh, aspirin, ibuprofen), khói bụi, lông động vật, phấn hoa, mủ cao su, thực phẩm mà người bệnh dị ứng...
Giữ cơ thể mát mẻ: Người dễ nổi mề đay cần mặc quần áo rộng rãi, thoáng, chất liệu cotton hút ẩm tốt, không dùng vải khô cứng dễ tổn thương.
Tránh sử dụng sản phẩm gây kích ứng da: Mỹ phẩm, hóa chất, nước hoa, sản phẩm chăm sóc da, kem đánh răng, chất tạo màu, chất bảo quản sử dụng trong thực phẩm, vitamin, gia vị...
Mề đay nhẹ có thể tự chữa trị tại nhà khi áp dụng một số cách sau:
Dùng dung dịch chống ngứa: Người bị nổi mề đay thường gãi nhiều dễ dẫn đến tổn thương da, do đó cần vệ sinh bằng các dung dịch giảm ngứa như bột yến mạch, baking soda, tắm nước mát... Biện pháp này giúp giảm ngứa, giảm khó chịu do nổi mề đay nhưng nếu triệu chứng vẫn tiếp tục xảy ra và kéo dài nghĩa là bạn vẫn chưa cách ly hoàn toàn với yếu tố gây bệnh.
Dùng thuốc: Người bệnh có thể mua những thuốc không kê đơn, nhưng cần nhờ bác sĩ tư vấn.
Bổ sung vitamin và các dưỡng chất: Bổ sung thực phẩm giàu dinh dưỡng, rau, trái cây tươi, uống nhiều nước... giúp tăng sức đề kháng cho da, hạn chế nổi sẩn mề đay. Nguồn vitamin cho cả người lớn và bé cũng cần phải được bác sĩ da liễu hướng dẫn cẩn thận.
Một số người bệnh còn điều trị mề đay bằng các biện pháp dân gian như: dùng gừng, lá tía tô, nha đam, chữa mề đay bằng lá trà xanh, lá trầu không, muối... nhưng có thể không hiệu quả. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để xem xét về mức độ bệnh, từ đó có cách điều trị phù hợp.
Bệnh nổi mề đay không lây, không đe dọa tới tính mạng nhưng ảnh hưởng tới sức khỏe, chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vì vậy, nếu người bệnh xuất hiện những triệu chứng nổi mề đay kéo dài cần đi khám sớm tại các bệnh viện uy tín có chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ da để được tư vấn.
Mai Hoa