Bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy, chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết hầu hết bệnh mề đay đều được chẩn đoán qua khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về tình trạng sức khỏe, yếu tố gia đình, lối sống, môi trường xung quanh nhà, môi trường làm việc. Bác sĩ cũng thực hiện các hoạt động cơ bản nhìn, sờ... qua đó phát hiện bất thường.
Các vị trí mí mắt, cơ quan sinh dục, môi... nhạy cảm nên dễ xuất hiện mề đay. Các nốt ban đỏ có thể gây sưng to cả vùng da (hiện tượng phù mạch). Nếu bị phù mạch ở ống thanh quản, ống tiêu hóa, người bệnh sẽ bị khó thở, đau bụng, đi ngoài...
Nhiều trường hợp, bác sĩ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm da, xét nghiệm máu để xác định người bệnh dị ứng với chất gì. Ngoài ra, trong quá trình xem xét bệnh sử, bác sĩ sẽ xác định người bệnh bị mề đay cấp tính hay mạn tính để có chỉ định xét nghiệm phù hợp.
Mề đay cấp tính biểu hiện như phát ban kéo dài dưới 6 tuần. Bệnh xuất hiện đột ngột, các nốt sần có thể tập trung ở một số vùng da hoặc lan rộng toàn thân. 10% trường hợp mề đay cấp tính gây phù mạch (tình trạng sưng sâu bên trong da ở niêm mạc da khiến da chuyển sang màu đỏ và căng phồng) gây ngứa, đau. Nếu được điều trị đúng cách, phù mạch sẽ được cải thiện sau 72 giờ.
Tình trạng tổn thương da kéo dài hơn 6 tuần gọi là mề đay mạn tính. Đặc trưng của loại này là biểu hiện phát ban, nổi sẩn ngứa có màu hồng, đỏ hay trắng nhạt trên da. Người bệnh bị ngứa, nóng rát, khó chịu. Mề đay mạn tính ngoài gây tổn thương trên da còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần và chất lượng cuộc sống. Bệnh mề đay mạn tính lại kéo dài dai dẳng và tái phát liên tục làm thay đổi màu sắc da (mề đay sắc tố), ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, giấc ngủ, ngoại hình khiến người bệnh tự ti giao tiếp.
Đa số người bệnh mề đay mạn tính là do các nguyên nhân phổ biến như phản ứng tự động, nhiễm trùng, không dung nạp. Xét nghiệm 60 dị nguyên là phương pháp sử dụng 60 mẫu dị nguyên, tức 60 mẫu tác nhân gây dị ứng có sẵn, để xác định nguyên nhân gây mề đay. Phương pháp này giúp bác sĩ tìm ra được phương hướng điều trị chính xác, đồng thời giúp người bệnh biết được cơ thể bị dị ứng với dị nguyên nào.
Để điều trị mề đay cấp tính, bác sĩ chỉ cần tìm và hướng dẫn người bệnh loại bỏ tác nhân gây bệnh. Với mề đay mạn tính, người bệnh được điều trị bằng thuốc kháng histamine hoặc kết hợp nhiều loại thuốc. Nếu thuốc kháng histamine không giúp người bệnh giảm các cơn đau, ngứa, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc steroid dạng uống hoặc chích. Trong trường hợp các thuốc trên không hiệu quả, có thể phải dùng đến thuốc sinh học để kiểm soát mề đay. Việc sử dụng thuốc cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa và tuân thủ theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.
Với trường hợp phát ban nghiêm trọng, người bệnh cần tiêm epinephrine, thuốc cortisone hoặc thuốc điều chỉnh miễn dịch. Nếu người bệnh nổi mề đay và xuất hiện triệu chứng: chóng mặt, thở khò khè, khó thở, tức ngực, sưng lưỡi, mặt, môi... nên đến bệnh viện có chuyên khoa da liễu để được xử trí kịp thời, bởi đây có thể là triệu chứng ban đầu của sốc phản vệ.
Mề đay mạn tính thường đáp ứng kém với các giải pháp điều trị. Bệnh dù không gây nguy hiểm ngay lập tức nhưng nếu không chăm sóc và điều trị đúng cách dễ gây ra các biến chứng: chàm hóa, tăng sắc tố da (sạm da) và làm tăng nguy cơ mắc thêm các bệnh dị ứng khác.
Trong khi chờ tình trạng nổi mề đay và sưng phù giảm nhẹ, người bệnh nên đắp gạc mát, khăn ướt lên vùng da bị mề đay, sinh hoạt, làm việc ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, mặc quần áo rộng rãi... để giảm sự khó chịu, bứt rứt.
Bình Minh