Biểu hiện của mề đay gồm các nốt sần có kích thước và hình dạng khác nhau như hình tròn, hình bầu dục, hình khuyên (hình vòng), kích thước thay đổi từ dạng chấm đến mảng to hơn 10 cm.
Theo bác sĩ CKI Võ Thị Tường Duy - chuyên khoa Da liễu - Thẩm mỹ Da, BVĐK Tâm Anh TP HCM, nổi mề đay có thể ảnh hưởng đến bất kỳ bộ phận nào của cơ thể, phổ biến ở mặt, cổ họng, cánh tay và chân. Ở mặt, mề đay xuất hiện rải rác hoặc tập trung tại gò má, sưng môi khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, mất tự tin... Vết sưng có thể lan đến cổ họng, đường hô hấp gây khó thở, có nguy cơ bị sốc phản vệ. Ngoài mặt, cổ cũng là vùng nhạy cảm dễ tổn thương nên chỉ cần gãi, chà xát mạnh cũng nổi mề đay.
Trong nhiều trường hợp, các nốt sần có thể nổi ở cánh tay, đôi khi ngứa lan ra cả bắp tay, cánh tay người bệnh. Ngoài ra, nhiều người nổi mề đay ở chân thường do phản ứng với vết cắn của côn trùng với biểu hiện mụn đỏ ngứa (sẩn) được hình thành từng đám. Mỗi mụn đỏ chứa dịch, có chiều ngang 0,2-2 cm và có một điểm chính giữa. Vị trí ở mông là khu vực cọ sát với quần áo nên khi bị mề đay người bệnh thêm khó chịu.
Bác sĩ Duy cho biết, mề đay là một trong những bệnh da liễu phổ biến. Phần lớn, các trường hợp mắc mề đay đều có xu hướng thuyên giảm trong vòng 6 tuần, chỉ có 5% trường hợp bệnh kéo dài hay tái đi tái lại.
Khi người bệnh nổi mề đay nhưng không được điều trị sẽ đối diện nguy cơ phù mao mạch dị ứng với các triệu chứng như sưng phù mặt, mi mắt, môi, lưỡi hoặc cổ họng (các mô lỏng); nguy hiểm nhất là sưng họng gây bít tắc đường thở và dẫn đến tử vong trong vòng 4 phút nếu không cấp cứu kịp để giải phóng đường thở.
Những người dễ nổi mề đay
Phụ nữ có thai: Khi mang thai, cơ thể gặp nhiều thay đổi về nội tiết tố, căng thẳng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến thai phụ dễ nổi mề đay. Ngoài ra, thai phụ cũng dễ bị mề đay do cảm lạnh, cảm cúm, gan hoạt động quá mức, men gan bị mất cân bằng tạm thời khiến chất thải tích tụ trong máu.
Việc điều trị mề đay bằng thuốc trong giai đoạn thai kỳ không được khuyến cáo. Tuy nhiên, trong trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc chlorphenamine hoặc loratidine liều thấp.
Phụ nữ sau sinh: Sau sinh, các khía cạnh thể chất, tinh thần và cảm xúc ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch có nhiều thay đổi. Quá trình vượt cạn và chăm sóc trẻ sơ sinh khiến người mẹ dễ rơi vào suy kiệt sức khỏe, cùng với những thay đổi về nội tiết, cảm xúc, hệ miễn dịch. Lúc này, các yếu tố từ môi trường dễ xâm nhập gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, trong đó có mề đay. Các nguyên nhân khác gây nổi mề đay sau sinh gồm thiếu ngủ, lo lắng thái quá, chế độ ăn uống thay đổi...
Trẻ em: Trẻ em thường bị nổi các nốt sần do phản ứng dị ứng với thức ăn, côn trùng cắn, ảnh hưởng thời tiết...
Mề đay không phải bệnh truyền nhiễm. Nhiều trường hợp bệnh mề đay do di truyền khiến cơ thể nhạy cảm hơn với các yếu tố gây dị ứng (thức ăn, thuốc...) hoặc cùng sống trong môi trường có yếu tố dị ứng (thời tiết, không khí...).
Nguyên nhân nổi mề đay không phải lúc nào cũng rõ ràng, do đó, người bệnh cần đi khám bác sĩ da liễu để điều trị ngay triệu chứng, tìm ra nguyên nhân, từ đó phòng tránh hiệu quả. Đặc biệt, nếu nổi mề đay kèm sưng môi, buồn nôn, tim đập nhanh, lạnh run... là biểu hiện cơ thể có thể đang rơi vào sốc phản vệ, cần được đưa đến bệnh viện ngay lập tức.
Nguyễn Trăm