Người cao niên hay người trẻ trưởng thành đều có thể gặp phải các vấn đề về trí nhớ, tùy vào nếp sinh hoạt, mức độ công việc và cơ địa. Bên cạnh bệnh lý nội thần kinh do tuổi tác, 5 vấn đề về trí nhớ dưới đây có thể gặp từ độ tuổi trưởng thành.
Suy giảm trí nhớ tạm thời
Đây là xu hướng quên dữ kiện sự việc ngay sau khi bạn tìm hiểu và ghi nhớ. Các kiến thức não bộ lưu trữ nếu không được sử dụng thường xuyên có thể bị lãng quên. Khi suy giảm trí nhớ tạm thời, bạn có thể bị lo lắng. Tuy nhiên, theo một số nhà khoa học thần kinh, nó có thể hữu ích cho hệ thần kinh vì giúp xóa đi ký ức không được sử dụng, nhường chỗ cho não lưu trữ ký ức mới.
Đãng trí
Triệu chứng suy giảm trí nhớ này xảy ra khi bạn không dành sự tập trung tuyệt đối khi ghi nhớ. Bạn có thể không nhớ nơi vừa đặt một đồ vật, do lo nghĩ về nhiều sự việc khác cùng lúc. Những sự việc bị quên này thường ít khi được thực hiện nhất quán theo thời gian. Do đó, não bộ đã không tạo thành ký ức rõ ràng. Chứng đãng trí cũng thường xảy ra khi bạn quên một lịch hẹn hay một cột mốc trong ngày.
Nhầm lẫn
Khi dự định trả lời một câu hỏi nhưng bất thình lình, bạn không nhớ ra phải nói gì. Điều này cũng có thể xảy ra khi não bộ thực hiện chọn lọc giữa các ký ức tương tự nhau, khiến bạn có thể bị nhầm trong suy nghĩ. Các nhà khoa học cho rằng, theo tiến trình lão hóa tự nhiên, triệu chứng cũng xuất hiện nhiều dần theo tuổi tác. Do đó, người cao tuổi có thể nhớ nhầm tên hoặc không nhớ tên người quen. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chỉ trong vài phút, bạn có thể nhanh chóng lấy lại ký ức nên không nên quá lo lắng.
Phân bổ thông tin sai
Việc phân bổ sai ký ức có thể khiến bạn nhớ chính xác một phần của sự việc nhưng lại sai một số chi tiết khác; như thời gian, địa điểm hoặc nhân vật trong ký ức. Cũng như một số chứng suy giảm trí nhớ khác, người cao tuổi cũng thường gặp phải việc phân bổ sai ký ức hơn. Càng lớn tuổi, não bộ người càng tiếp thu thông tin ít cụ thể hơn, tập trung và xử lý thông tin chậm hơn. Các ký ức cũng dần nhiều lên qua tháng năm, khiến các kỷ niệm cũ được não bộ phân bổ và ghi chép kém chính xác hơn.
Ám ảnh bởi ký ức buồn
Sự tồn tại của những ký ức về những sự kiện buồn, cảm xúc tiêu cực hoặc một nỗi sợ có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của não bộ. Theo các nhà khoa học, nhóm ký ức này thường phản ánh chính xác những sự kiện gây sang chấn tinh thần. Người bị trầm cảm, người bị hậu chấn thương tâm lý thường nhớ về những ký ức không vui trong cuộc sống.
Khi bất chợt không nhớ ra một sự vật hay sự việc, bạn không phải quá lo lắng và bình tĩnh hít thở, rời bàn làm việc trong vài phút, vận động nhẹ nhàng sẽ giúp nhớ lại. Bạn có thể thường xuyên thực hiện các hoạt động giúp tăng cường sức khỏe não bộ như chơi nhạc cụ, tản bộ, học một ngôn ngữ mới...
Mai Trinh
(Theo Harvard Health Publishing)