VNExpress

NỘI TIẾT VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành
Thứ bảy, 24/2/2024, 10:48 (GMT+7)

5 tư thế yoga tốt cho người tiểu đường

Yoga giúp người bệnh giảm huyết áp, điều chỉnh lượng đường trong máu và hỗ trợ quá trình chuyển hóa glucose trong máu thành năng lượng.

Kỹ thuật thở Kapalabhati giúp kích hoạt tuyến tụy, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hòa sản xuất insulin, đồng thời, tăng cường lưu thông máu và loại bỏ các độc tố có trong cơ thể.

Nghiên cứu năm 2018 công bố trên tạp chí Drug Invention Today cho thấy kỹ thuật thở Kapalbhati có thể làm giảm lượng đường trong máu ở bệnh nhân tiểu đường.

Cách thực hiện: Ngồi với tư thế lưng và cột sống thẳng đứng, đặt hai tay lên đầu gối với lòng bàn tay hướng lên trên. Thả lỏng cơ bụng, hít sâu bằng mũi để bơm đầy oxy cho phổi và thở ra chậm bằng miệng. Lặp lại 20-30 lần. Người mới tập nên đặt tay lên bụng. Nếu cảm nhận được bụng phình ra khi hít vào và hóp vô khi thở ra là tư thế thở đúng.

Tư thế gác chân lên tường (Viparita Karani) có tác dụng thư giãn tâm trí và cải thiện lưu thông máu. Với người bệnh tiểu đường, tư thế này có thể cải thiện hỗ trợ kiểm soát triệu chứng bệnh bằng cách giúp ổn định lượng đường trong máu.

Cách thực hiện: Lựa chọn vị trí sát cạnh tường và nằm xuống. Cố gắng điều chỉnh tư thế vuông góc với tường. Giữ hai chân và mông áp chặt vào tường, hai tay để xuôi dọc theo thân. Nếu không có thảm, người tập có thể kê gối dưới lưng. Nhắm mắt và hít thở đều đặn trong khoảng 10-15 phút. Lưu ý khi hạ chân xuống cần co chân và gập đầu gối nhẹ nhàng. Từ từ cong người và đầu theo tư thế ôm chặt đầu gối. Sau đó thả lỏng cơ thể và nghỉ vài giây trước khi ngồi dậy.

Tư thế ngồi gập mình (Paschimottanasana) kích thích tuyến tụy, cơ quan chịu trách nhiệm sản xuất insulin và hỗ trợ điều chỉnh nồng độ glucose (đường) trong cơ thể. Tư thế này cũng có lợi cho khả năng vận động của cột sống và tính linh hoạt tổng thể.

Cách thực hiện: Ngồi thẳng lưng với hai chân duỗi thẳng về phía trước, các ngón chân thả lỏng. Di chuyển tay sang hai bên và giơ thẳng lên cao về phía trần nhà, sau đó hít vào và kéo căng cột sống. Thở ra, cúi người về phía trước và gập ở phần hông. Giữ trong 10 phút rồi trở về tư thế ban đầu. Mỗi lần hít vào hãy kéo căng cột sống và gập người về phía trước sâu hơn khi thở ra.

Tư thế vặn lưng ngồi (Ardha Matsyendrasana) cải thiện chức năng của các cơ quan khác nhau như gan, tuyến tụy và lá lách. Điều này tạo điều kiện cho việc sản xuất insulin, hỗ trợ tiêu hóa và loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.

Cách thực hiện: Ngồi thẳng với hai chân duỗi thẳng. Sau đó, uốn cong chân trái sao cho gót chân trái nằm cạnh hông phải và đặt chân phải cạnh đầu gối trái bằng cách đưa chân qua đầu gối.

Tiếp đến, xoay eo, cổ và vai về phía bên phải và hướng ánh mắt qua vai phải; tay phải ra sau, tay trái đặt trên đầu gối phải. Lưu ý giữ cột sống thẳng hàng. Giữ tư thế trong 30-60 giây và thở chậm, thả tay trái ra, rồi xoay eo, ngực và cổ lại vị trí trung tâm. Lặp lại với bên đối diện.

Tư thế duỗi thẳng người (Shavasana) là bài tập nghỉ ngơi trong quá trình luyện tập yoga. Tư thế này giải phóng cơ thể khỏi tác động của căng thẳng, tốt cho người mắc bệnh tiểu đường.

Cách thực hiện: Nằm trên sàn và nhắm mắt lại, hai tay thả lỏng dọc theo thân, lòng bàn tay ngửa; chân duỗi thẳng, dang rộng hơn hông. Hít một hơi thật sâu, thư giãn mọi bộ phận trên cơ thể trong 15-20 phút. Để cảm thấy thoải mái hơn, người tập có thể lót dưới bắp chân bằng khăn hoặc một tấm đệm nhằm thư giãn đôi chân, cải thiện lưu thông máu và giải phóng căng thẳng ở cơ lưng.

Huyền My (Theo Times of India, Healthshots)
Ảnh: Freepik

Độc giả đặt câu hỏi bệnh nội tiết - đái tháo đường tại đây để bác sĩ giải đáp

ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn