Theo bác sĩ Đoàn Ngọc Thiện (khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM), tinh trùng yếu là tình trạng chất lượng và số lượng đều suy giảm. Cụ thể, tỷ lệ tinh trùng di động dưới 30%, tỷ lệ tinh trùng sống ít hơn 54%. Mỗi lần xuất tinh, lượng tinh dịch thường ít hơn 1,4 mml, số lượng tinh trùng ít hơn 40 triệu con. Tinh trùng yếu ảnh hưởng rất lớn sự thành công của quá trình thụ thai, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng.
Bất cứ vấn đề nào xảy ra trong quá trình sản xuất tinh trùng đều có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng. Bác sĩ Ngọc Thiện chỉ ra một yếu tố tác động tiêu cực như sau.
Thiếu hụt testosterone: Testosterone giữ vai trò quan trọng trong việc tác động đến tế bào sertoli để tạo ra tinh trùng. Vì vậy, nếu cơ thể thiếu hụt testosterone sẽ ảnh hưởng trực tiếp, làm giảm chất lượng, số lượng cũng như khả năng di động của các "tinh binh". Từ đó, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai, gây ra tình trạng vô sinh hiếm muộn.
Thiếu hụt hormone sinh dục testosterone thường xảy ra ở nam giới sau tuổi 30 do sự lão hóa bên trong cơ thể và những tác động từ bên ngoài thường xuyên căng thẳng, lối sống ít vận động, ăn uống mất cân bằng, thừa cân, béo phì... Nồng độ testosterone bình thường trong máu là 10-35 nanomol/lít.
Nhiệt độ tại cơ quan sinh dục: Nhiệt độ lý tưởng cho tinh hoàn sinh tinh là thấp hơn cơ thể 2 độ C. Nếu để vùng nhạy cảm này ở nhiệt độ cao có thể làm giảm sinh tinh cũng như khả năng tinh trùng dị dạng là rất cao. Nhiệt độ cao còn gây tổn thương ADN của tinh trùng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nam giới bị sốt trên 38,5 độ C có thể khiến quá trình sinh tinh ức chế trong 6 tháng. Để bảo vệ khả năng sinh sản, quý ông không nên mặc đồ quá chật, không ngồi quá lâu một tư thế, không nên để điện thoại hay laptop lâu trên đùi để làm việc khiến nhiệt độ bìu tăng lên hơn mức bình thường.
Chế độ ăn uống không khoa học: Chế độ ăn uống mất cân đối, thực đơn nghèo nàn, thiếu hụt các dưỡng chất và vitamin quan trọng như: A, E, acid amin, Omega 3, kẽm... có thể ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, dẫn đến tinh trùng yếu. Bên cạnh đó, thói quen sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, chất kích thích, thực phẩm có khả năng nhiễm độc thủy ngân hoặc chì, các chất độc hại từ thuốc trừ sâu, diệt cỏ.... có ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh và thậm chí gây vô sinh ở nam giới.
Ảnh hưởng từ môi trường: Nếu sống trong môi trường với các nguồn phóng xạ cường độ cao có thể làm các tinh nguyên tế bào bị hủy hoại, hoặc có thể làm tổn thương nhiễm sắc thể, dẫn tới vô sinh không phục hồi hoặc gây dị dạng ở thế hệ sau. Ngoài ra, nguồn từ trường tần số thấp hoặc cao từ các thiết bị gia dụng, điện công nghiệp... cũng có thể ảnh hưởng không tốt tới quá trình sinh tinh.
Bệnh lý hoặc tác dụng phụ của thuốc: Những bệnh viêm cơ quan sinh dục như: viêm tinh hoàn, viêm mào tinh hoàn, biến chứng do quai bị hay vi khuẩn, bệnh lậu, giang mai... làm nhiệt độ tăng cao, dẫn đến việc hình thành kháng thể chống tinh trùng có thể khiến biểu mô sinh tinh bị hủy hoại, tinh hoàn bị teo, dẫn đến vô sinh.
Ngoài ra, nếu người đàn ông bị suy thận, suy gan, ung thư, mắc các bệnh tự miễn... cũng sẽ ức chế, có thể giảm hoặc ngưng sinh tinh ở tinh hoàn (nếu từng bị phẫu thuật, hay đang trong thời gian hóa trị, xạ trị...). Bên cạnh mắc các bệnh lý, việc sử dụng một số thuốc điều trị có thể ảnh hưởng đến quá trình sản xuất này như: thuốc nội tiết tố, hóa chất trong điều trị ung thư...
Để đánh giá chính xác sức khỏe của tinh trùng, nam giới cần thăm khám, để bác sĩ kiểm tra các triệu chứng lâm sàng, cơ quan sinh dục ngoài, cũng như khai thác bệnh sử của người bệnh cũng như thói quen sinh hoạt tình dục.
Ngoài ra, người bệnh có thể được thực hiện xét nghiệm tinh dịch đồ. Nếu nhận thấy có sự bất thường, bác sĩ có thể chỉ định làm thêm một số xét nghiệm như siêu âm tinh hoàn, sinh thiết tinh hoàn, siêu âm tuyến tiền liệt, xét nghiệm nước tiểu sau khi xuất tinh nhằm phát hiện trình trạng xuất tinh ngược hay không, bác sĩ Ngọc Thiện cho biết thêm.
Quyên Phan