Theo bác sĩ Phạm Xuân Long, khoa Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, xuất tinh sớm là tình trạng khá phổ biến và có thể gặp phải ở nhiều lứa tuổi. Có khoảng 20 - 30% nam giới không thể làm chủ được thời gian xuất tinh của mình. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khoái cảm tình dục, gây tâm lý tự ti, ham muốn tình dục sụt giảm, mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
Hiện tượng xuất tinh sớm khiến trứng và tinh trùng khó gặp được nhau nên khả năng thụ thai thấp. Tuy nhiên, khác với các tình trạng rối loạn xuất tinh ảnh hưởng lớn đến khả năng sinh sản của nam giới như xuất tinh chậm, xuất tinh ngược dòng hoặc giao hợp không xuất tinh, thì xuất tinh sớm khó thụ thai nhưng khả năng có con vẫn có.
Trong nhiều trường hợp nhẹ, đàn ông vẫn có khả năng xuất tinh vào trong âm đạo, tinh trùng được tạo ra khỏe mạnh thì khả năng thụ thai vẫn diễn ra. Trường hợp không thể mang thai là khi xuất tinh quá sớm, tinh trùng không thể di chuyển vào âm đạo thì quá trình thụ thai sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, những trường hợp dương vật vừa tiếp xúc hoặc mới chạm đến âm đạo đã xuất tinh, dẫn đến trứng không thể gặp được tinh trùng thì không thể thụ thai tự nhiên được.
Tuy nhiên, xuất tinh sớm tuy không phải là bệnh lý quá nguy hiểm nên có khả năng cải thiện được bằng nhiều cách, tùy thuộc vào nguyên nhân. Một số nguyên nhân chính như yếu tố di truyền, cường giáp, rối loạn cương dương, viêm tuyến tiền liệt mãn tính, trầm cảm. Ngoài ra, tâm lý căng thẳng, mệt mỏi, chưa có kinh nghiệm phòng the, hay bị cú sốc tinh thần nào đó cũng khiến nam giới bị rối loạn xuất tinh, xuất tinh không kiểm soát. Đây cũng là hậu quả của thủ dâm một cách nhanh chóng, cùng thói quen thường xuyên thức khuya, ít vận động, chế độ ăn uống mất cân đối.
Bác sĩ Xuân Long lưu ý, để bảo vệ chức năng sinh sản, khi thấy mình có triệu chứng xuất tinh sớm, nam giới cần điều chỉnh, cải thiện càng sớm càng tốt. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, đồng thời ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ với bạn tình.
Phương pháp điều trị như sử dụng liệu pháp tâm lý, hạn chế và kiểm soát stress, kết hợp các liệu pháp hành vi như phương pháp "ngừng - bắt đầu", kỹ thuật "bấm", kỹ thuật tự tập luyện lúc không giao hợp... Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị chính bằng thuốc theo toa dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Bác sĩ Xuân Long đang khám cho bệnh nhân tại phòng khám Nam Khoa. Ảnh Bệnh viện cung cấp
Bên cạnh đó, nam giới cần có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi hợp lý; ăn uống đa dạng, đủ chất, tăng cường các nhóm thực phẩm tốt cho phái mạnh như hải sản (hàu, cua, tôm, cá...), thịt, trứng, sữa, ngũ cốc, các loại hạt, dưa hấu, cam, bưởi, măng tây, cần tây, lá hẹ... Hạn chế sử dụng các chất kích thích, rượu bia, bỏ thuốc lá...; luyện tập các môn thể thao như bài tập kegel, cử tạ, bơi lội, yoga, squat... giúp nam giới tăng cường sinh lực, cải thiện khả năng kiểm soát các "tinh binh" của mình, bác sĩ Xuân Long khuyến nghị.
Quyên Phan