Bỏ bữa sáng, ăn sáng qua loa: Bữa sáng là bữa ăn chính, giúp nạp năng lượng cho cơ thể qua một đêm dài. Hầu hết các nghiên cứu cho thấy, ăn sáng giúp hình thành thói quen ăn uống lành mạnh. Những người không ăn sáng hoặc ăn sáng sơ sài có thể ăn vặt, ăn nhiều thực phẩm hơn vào các bữa tiếp theo. Họ cũng có xu hướng lựa chọn thực phẩm mà họ thích hơn, do bộ não thiếu đường (glucose) như thực phẩm nhiều đường, chất béo... Trong khi đó, một bữa sáng chất lượng với protein và chất béo lành mạnh như bơ, trứng... có thể giúp ổn định lượng đường trong máu. Thiếu vận động: Lười tập thể dục và thường xuyên ngồi lâu hơn 30 phút là những yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tiểu đường type 2. Lối sống ít vận động không chỉ làm tăng chỉ số khối cơ thể (BMI) và vòng eo hơn mức bình thường mà còn làm giảm độ nhạy của hormone insulin. Do đó, các tế bào ít có khả năng tiếp nhận glucose hơn và lượng đường dư thừa lưu thông trong máu có thể làm hỏng các mạch máu và các cơ quan. Điều này gây ra những thay đổi về độ nhạy insulin, tăng tổng lượng cholesterol và chất béo trung tính. Thay đổi tiêu cực chức năng trao đổi chất cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Ăn thực phẩm chế biến sẵn: Các loại thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều đường tinh chế và chất béo không lành mạnh. Thực phẩm chế biến sẵn thường là calo rỗng vì chúng không cung cấp nhiên liệu để hỗ trợ nhu cầu trao đổi chất của cơ thể. Do đó, chúng ta thường ăn nhiều những thực phẩm này mới cảm thấy no và hậu quả là nạp quá nhiều đường hơn mức cần thiết. Khi chọn thực phẩm chế biến sẵn, chúng ta đã bỏ lỡ thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau quả tươi. Thiếu ngủ: Ngủ không đủ giấc mỗi đêm có thể làm giảm lượng đường trong máu. Trong khi bạn ngủ, cơ thể sẽ sửa chữa các mô bị tổn thương, hình thành ký ức và thực hiện các chức năng trao đổi chất. Khi thiếu ngủ, cơ thể không thể chuyển hóa glucose hiệu quả và độ nhạy insulin giảm. Ngủ quá ít khiến bạn mệt mỏi, thiếu tỉnh táo, thường không lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho cơ thể. Căng thẳng: Căng thẳng không gây ra bệnh tiểu đường nhưng kết hợp với các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Mức độ cao cortisol (hormone gây căng thẳng do tuyến thượng thận tạo ra) có thể cản trở các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy, khiến chúng tạo ra ít insulin hơn. Khi insulin ít, cơ thể xử lý glucose (đường) kém hiệu quả, dẫn đến có quá nhiều đường trong máu. Mặc dù cần có các nghiên cứu sâu hơn để xem xét cách cortisol ảnh hưởng đến các tế bào sản xuất insulin và hoạt động của insulin, nhưng thói quen không lành mạnh khi căng thẳng như ăn quá nhiều, ăn thực phẩm chế biến sẵn... là các yếu tố nguy cơ của bệnh tiểu đường. Kim Uyên (Theo Eat This Not That)