Một chế độ dinh dưỡng tương tự như khi mang thai được khuyến nghị góp phần giúp chị em chuẩn bị tốt hơn trên hành trình mang thai. Nghiên cứu đăng trên tạp chí Y tế Harvard cho thấy, phụ nữ nên thêm vào chế độ ăn uống 5 nhóm thực phẩm sau đây để cải thiện khả năng thụ thai và có một khởi đầu thai kỳ khỏe mạnh.
Nhóm trái cây và rau củ
Một chế độ dinh dưỡng hợp lý được khuyến nghị gồm nửa khẩu phần trái cây và rau củ. Nhóm nghiên cứu của trường Y tế công cộng Harvard trên khoảng 19.000 phụ nữ chỉ ra rằng, người tiêu thụ nhiều chất béo chuyển hóa, đường, và đạm động vật có khả năng cao bị rối loạn rụng trứng. Dưa hấu, măng tây, các loại trái cây tươi và rau xanh cung cấp nguồn glutathione dồi dào, đóng vai trò hỗ trợ nâng cao chất lượng trứng. Dùng cải xoăn thường xuyên cũng giúp chuyển hóa hormone estrogen tốt hơn. Bạn có thể làm nước ép từ cải xoăn, các loại rau xanh và quả mọng.
Nhóm chất béo
Bữa ăn thường nhật nên có thêm chất béo có nguồn gốc thực vật, như: các loại hạt, bơ, dầu ô liu và dầu hạt nho giúp hạn chế tình trạng viêm nhiễm, thúc đẩy chu kỳ rụng trứng đều đặn và hỗ trợ khả năng thai sản. Một số chất béo tốt, như chất béo không bão hòa đơn có trong trái bơ, có thể cải thiện tình trạng hiếm muộn khi chị em siêng ăn. Chuyên gia dinh dưỡng chức năng và nội tiết tố nữ Alisa Vitti (tác giả sách Women Code) cho biết, ăn trái bơ thường xuyên có thể giúp tăng tỷ lệ thụ tinh thành công trong ống nghiệm (IVF) lên gấp ba lần rưỡi so với khi bạn không ăn chất béo tốt từ thực vật.
Ngoài ra, trong quá trình thụ thai, chị em nên kiêng tiêu thụ các chất béo chuyển hóa (có trong khoai tây chiên và các thực phẩm đóng gói) do chúng sẽ làm tăng khả năng kháng insulin, gây thừa insulin trong máu. Nồng độ insulin cao có thể gây ra các rối loạn trao đổi chất, ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng.
Nhóm ngũ cốc
Việc ăn kết hợp nhiều loại ngũ cốc chứa nhiều xơ như trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên cám sẽ giúp cơ thể ổn định lượng insulin trong máu và ổn định đường huyết. Một khẩu phần ăn lý tưởng được gợi ý có lợi cho sức khỏe thai sản chỉ cần có 25% lượng ngũ cốc. Chị em có thể thay thế gạo trắng, mì ống bằng ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, hạt kê, hạt diêm mạch và hạt dền giúp no lâu và ổn định lượng đường huyết.
Chị em bị rối loạn nội tiết tố (như có buồng trứng đa nang) được khuyến nghị cắt giảm hàm lượng gluten từ một số loại ngũ cốc. Gluten có thể tạo phản ứng viêm, tăng nồng độ protein CRP, làm cho cơ thể không nhận biết thời điểm thụ thai lý tưởng, gây ức chế rụng trứng. Tuy nhiên, để đảm bảo cơ thể đủ dinh dưỡng, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chuyển qua chế độ ăn không gluten sao cho phù hợp với cơ địa.
Nhóm chất đạm
Thịt gà, gà tây, heo và bò (không mỡ) là nguồn cung cấp chất đạm dồi dào. Kẽm và sắt là 2 vi chất đóng vai trò quan trọng cho một thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên, một nghiên cứu về dinh dưỡng và thai sản ở Tây Ban Nha cho thấy, chất béo bão hòa dư thừa trong đạm động vật có thể có ảnh hưởng đến các vấn đề thai sản.
Bạn cũng có thể bổ sung đạm từ các loại cá biển vào thực đơn vài lần một tuần (như cá hồi, cá ngừ đóng hộp và cá mòi). Nhóm cá béo này cung cấp một lượng lớn DHA và acid béo omega-3 giúp phát triển hệ thần kinh thai nhi và giảm nguy cơ sinh non. Tuy nhiên, phụ nữ có thai nên tránh ăn các loại cá biển có hàm lượng thủy ngân cao (như cá mập, cá kiếm, cá nàng đào và cá thu vua).
Trứng cũng là nguồn chất đạm bổ dưỡng trong chế độ ăn trước thai kỳ. Mặc dù có hàm lượng cholesterol cao, lòng đỏ lại là nguồn dự trữ protein và choline đáng kể, giúp phát triển chức năng não ở trẻ sơ sinh. Các loại hạt, đậu và các loại cây họ đậu như đậu lăng và đậu gà chứa chất béo tốt và tương đối ít calo, có thể giúp ích cho quá trình giảm cân nhằm chuẩn bị thai kỳ ở một số chị em (theo chỉ định của bác sĩ).
Sản phẩm từ bơ sữa
Phụ nữ cũng có thể bắt đầu uống sữa nguyên kem hoặc các thực phẩm từ sữa nguyên kem (như sữa chua) để hành trình mang thai được diễn ra suôn sẻ hơn, theo khuyến nghị của nhóm nghiên cứu trường Y tế Công cộng Harvard. Nghiên cứu trên Tạp chí Y khoa Cureus cho thấy sữa chua giàu men vi sinh góp phần cải thiện quá trình trao đổi chất và giảm trình trạng sinh non cho phụ nữ trước và trong thai kỳ.
Viết Tú (Theo Parents)