Mỡ máu cao là tình trạng tăng nồng độ cholesterol xấu (LDL) hoặc chất béo trung tính (triglyceride) hoặc tăng cả hai loại này, đồng thời giảm nồng độ cholesterol tốt (HDL) trong máu. Lâu ngày, bệnh có thể dẫn đến xơ vữa mạch máu, hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu. Trường hợp nặng dễ biến chứng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, vỡ mạch máu não, đột quỵ.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng, Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết bên cạnh điều trị theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học để kiểm soát hoặc cải thiện chỉ số mỡ máu, hỗ trợ quá trình chữa bệnh.
Thực phẩm giàu chất xơ hòa tan như ngũ cốc, hoa quả, rau xanh, các loại đậu giúp cơ thể hạn chế hấp thụ cholesterol. Chất xơ hòa tan có khả năng tạo thành lớp màng nhầy tại thành ruột, gây cản trở, làm giảm lượng cholesterol từ thực phẩm được hấp thụ tại thành ruột đi vào trong máu. Người bệnh mỡ máu cao nên ăn thường xuyên thực phẩm giàu chất xơ hòa tan để hỗ trợ kiểm soát nồng độ mỡ máu.
Thực phẩm giàu omega-3 như cá béo (cá mòi, cá thu, cá trích, cá hồi), các loại hạt (hướng dương, hạt chia, hạt lanh, hạt óc chó), quả bơ. Chúng có khả năng ức chế quá trình tổng hợp cholesterol xấu, góp phần làm tăng hiệu quả của quá trình giảm mỡ máu. Axit béo omega-3 còn có tác dụng chống oxy hóa, kháng viêm, góp phần ngăn mảng xơ vữa do mỡ thừa tích tụ hình thành, từ đó giảm nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm do mỡ máu cao.
Thực phẩm giàu vitamin nhóm B (B3, B6, B9, B12) như hải sản, trứng, sữa, rau lá xanh, các loại hạt, cá béo. Chúng hỗ trợ kiểm soát mỡ máu bằng cách làm giảm nồng độ chất béo trung tính (triglyceride) và cholesterol xấu trong máu. Đồng thời, các vitamin nhóm B còn kích thích gan sản sinh cholesterol tốt, cải thiện chỉ số lipid máu.
Thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (flavonoid, polyphenol) như dứa, cam, bưởi, các loại đậu, rau xanh. Chúng góp phần điều hòa mỡ máu bằng cách tăng cường chức năng gan - cơ quan chuyển hóa chất béo chính trong cơ thể. Các chất chống oxy hóa còn có khả năng ức chế quá trình oxy hóa cặn mỡ tại thành động mạch, giảm nguy cơ mỡ máu cao tăng nặng hoặc biến chứng nguy hiểm.
Thực phẩm giàu đạm, ít béo như thịt nạc loại bỏ da, trứng, các loại đậu, sữa không đường ít béo hoặc tách béo. Hàm lượng đạm cao tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ người bệnh mỡ máu cao kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì - tác nhân phổ biến khiến bệnh mỡ máu cao tăng nặng hoặc biến chứng. Ăn thực phẩm ít béo giúp người bệnh mỡ máu cao hạn chế hấp thụ chất béo, nhất là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, từ đó góp phần kiểm soát mỡ máu, duy trì thể trạng khỏe mạnh.
Bác sĩ Duy Tùng cho biết thực phẩm không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Người bệnh nên tái khám định kỳ và uống thuốc (nếu có) theo chỉ định của bác sĩ. Xét nghiệm mỡ máu giúp chủ động điều chỉnh hoặc biện pháp can thiệp kịp thời. Người bệnh nên ưu tiên các món luộc hoặc hấp, hạn chế món chiên xào để giảm chất béo nạp vào cơ thể. Giảm ăn món nhiều đường hoặc nhiều muối, thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế, thực phẩm đóng hộp chứa chất bảo quản.
Tăng cường thực hiện bài tập vừa sức. Hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá. Kiểm soát cân nặng hợp lý, tránh thừa cân, béo phì. Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) góp phần giảm lượng cholesterol toàn phần, hạn chế nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |