Trả lời:
Mỡ máu cao (rối loạn mỡ máu) là tình trạng tăng nồng độ cholesterol xấu (LDL) hoặc chất béo trung tính (triglyceride) hoặc tăng cả hai loại này, đồng thời giảm nồng độ cholesterol tốt (HDL) trong máu. Lâu ngày mỡ máu cao có thể dẫn đến xơ vữa mạch máu, hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu. Trường hợp nặng dễ biến chứng nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, vỡ mạch máu não, đột quỵ.
Trung bình mỗi quả trứng gà trọng lượng 50 g có thể chứa 72 calo. Trong đó, có khoảng 6,3 g đạm, 4,8 g chất béo (gồm 1,6 g chất béo bão hòa và 2,8 g chất béo không bão hòa), cùng 13 loại vitamin (A, B2, B5, B6, B12, D, K...) và 11 khoáng chất (photpho, selen, canxi, kẽm...). Nguồn protein trong trứng gà là loại chất lượng cao, cung cấp đủ 9 axit amin thiết yếu mà cơ thể người không thể tự tổng hợp được.
Người bệnh mỡ máu cao có thể ăn tối đa một trứng gà mỗi ngày. Trường hợp không liên tục ăn trứng gà mỗi ngày, người bệnh có thể ăn hai trứng gà mỗi lần. Tiêu thụ trứng gà quá mức có thể làm tăng cholesterol trong máu, từ đó tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch máu, dẫn tới viêm tụy cấp tính, suy thận, suy tim, tổn thương võng mạc, tăng huyết áp và biến chứng nguy hiểm liên quan đến tăng huyết áp.
Trứng gà chứa hàm lượng cholesterol nhất định, trung bình khoảng 186 mg cholesterol trong 100 g trứng gà. Tuy nhiên, nếu bố bạn có hàm lượng cholesterol vừa đủ thường không tác động đáng kể đến tình trạng tăng cholesterol máu, đặc biệt là chỉ số LDL trực tiếp gây xơ vữa động mạch.
Cơ địa, khả năng hấp thu, mức độ mỡ máu, bệnh nền hoặc phác đồ đang điều trị của mỗi người bệnh thường khác nhau. Để an toàn, bố bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ tim mạch hoặc bác sĩ dinh dưỡng về số lượng và tần suất ăn thực phẩm này phù hợp, tránh ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe.
Ăn trứng gà với hàm lượng vừa phải giúp người bệnh mỡ máu cao cải thiện sức khỏe tổng thể. Protein trong trứng gà có thể tạo cảm giác no lâu hơn, từ đó hỗ trợ người bệnh giảm cảm giác thèm ăn vặt sau bữa ăn, góp phần kiểm soát cân nặng.
Trứng gà cũng giàu choline, cần thiết cho hoạt động của tế bào thần kinh, tăng cường chức năng não bộ. Axit béo omega-3 có khả năng làm giảm nồng độ chất béo trung tính triglyceride trong máu. Kết hợp ăn trứng gà với chế độ cắt giảm tinh bột (carbohydrate chiếm 10-15% tổng năng lượng) có tác dụng tăng nồng độ cholesterol HDL trong máu, cải thiện thành phần lipid máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Thực phẩm này cũng cung cấp vitamin, khoáng chất phong phú như vitamin D, vitamin nhóm B, canxi, selen. Chúng hỗ trợ tăng cường các chức năng miễn dịch, thị lực, thần kinh và sức khỏe nhiều bộ phận khác nhau trong cơ thể. Người bệnh mỡ máu cao nên ưu tiên ăn trứng luộc hoặc hấp, hạn chế chiên rán để giảm chất béo nạp vào cơ thể. Tăng cường vận động với các bài tập vừa sức, hạn chế uống rượu bia, không hút thuốc lá, tránh thừa cân - béo phì.
Người bệnh tái khám định kỳ và uống thuốc (nếu có) theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tim mạch. Xét nghiệm mỡ máu giúp chủ động điều chỉnh hoặc biện pháp can thiệp kịp thời. Bổ sung tinh chất thiên nhiên như GDL-5 (chiết xuất từ phấn mía Nam Mỹ) góp phần giảm lượng cholesterol toàn phần, hạn chế nguy cơ hình thành xơ vữa động mạch.
ThS.BS Nguyễn Anh Duy Tùng
Trung tâm Dinh dưỡng Nutrihome
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |