Sau gần 10 năm yêu nhau, Andrea và Ralph quyết định tiến tới hôn nhân. Giống như nhiều cặp vợ chồng khác, họ lên kế hoạch sinh con và chưa từng nghĩ mình sẽ gặp khó khăn trong việc thụ thai. Tuy nhiên, sau hai năm, tin vui vẫn không đến với họ. "Tôi dần thấy có điều không ổn đang xảy ra với mình dù đã nghe nhiều chuyên gia y tế, bạn bè và người thân nói rằng do chúng tôi đang quá căng thẳng thôi, chỉ cần thư giãn thì sẽ sớm có thai", Andrea kể.
Andrea và chồng quyết định tìm tới bệnh viện phụ sản tại thành phố Norwalk và được bác sĩ chẩn đoán cô mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Dù không vui, Andrea thấy nhẹ nhõm hơn vì biết được nguyên nhân.
Buồng trứng đa nang được xem là nguyên nhân hàng đầu gây vô sinh hiếm muộn ở nữ giới. Khoảng 2,2-26,7% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15-44 tuổi) mắc hội chứng này, nhưng nhiều người không biết mình mắc bệnh nên không điều trị sớm dẫn đến nhiều biến chứng. Rối loạn phóng noãn là nguyên nhân khiến người mắc PCOS dễ vô sinh hiếm muộn.
Bác sĩ đã khuyến khích Andrea và Ralph bắt đầu điều trị bằng phương pháp bơm tinh trùng vào tử cung (IUI). Lần đầu tiên thất bại, họ tiếp tục thực hiện lần IUI thứ hai. Tuy nhiên, may mắn vẫn không tới với Andrea khi cô nhận được cuộc điện thoại từ bệnh viện thông báo kết quả thử thai âm tính.
"Tôi nhớ mình cúp điện thoại, hít một hơi thật sâu và cố kìm nước mắt để đồng nghiệp không nghi ngờ gì. Cuối ngày hôm đó, tôi vào nhà vệ sinh khóc, rồi vội quay lại bàn để hoàn thành nốt công việc dang dở như không có chuyện gì xảy ra", Andrea kể lại.
Vợ chồng Andrea đã thực hiện ba chu kỳ IUI nhưng không thành công. Đây là khoảng thời gian tồi tệ nhất trong cuộc đời của cả hai. Cặp vợ chồng đến mọi cuộc hẹn của bác sĩ với cảm giác vô vọng và Andrea thấy mình như bị cô lập.
Rồi đại dịch Covid-19 xảy ra, cô coi đây là cơ hội để nghỉ ngơi, thư giãn cả tinh thần lẫn thể chất. Andrea bắt đầu tự trị liệu tinh thần cho bản thân bằng cách tập thể dục, thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và chăm sóc cơ thể tốt hơn. Cô đã tìm thấy sức mạnh để tiếp tục theo đuổi ước mơ trở thành mẹ.
Sau thời gian dài nghỉ ngơi, Andrea và Ralph quay lại cuộc hành trình "tìm con". Lần này, họ lựa chọn thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Andrea chia sẻ khoảng thời gian đó, cả cô và chồng đều đã chuẩn bị tốt về mặt tinh thần. Cô cũng không còn quá khắt khe với chính mình, trở nên tin tưởng hơn vào quá trình chữa trị.
Bác sĩ đã thu được 30 quả trứng, tạo ra 9 phôi. Sau cuộc chuyển phôi đầu tiên vào tháng 8/2021, may mắn đã mỉm cười với vợ chồng Andrea khi cô nhận được thông báo mang thai. Cô vỡ òa hạnh phúc và ngay lập tức cầm điện thoại lên báo tin vui cho chồng cùng mẹ.
Sau 5 năm chờ đợi, cuối cùng, Andrea và Ralph chào đón con trai Dominick Ralph, vào ngày 26/4/2022. Hiện tại, cậu bé đã hơn một tuổi, rất đáng yêu và kháu khỉnh. "Khi con trai ngủ yên bên cạnh, tôi không cầm được nước mắt. Nhìn khuôn mặt đáng yêu của thằng bé, tôi không thể tin rằng mình đã là mẹ. Con trai mang lại niềm hạnh phúc to lớn cho đại gia đình chúng tôi", Andrea chia sẻ.
Trải qua hành trình gian nan "tìm con", Andrea tự tin đưa ra một số lời khuyên dành cho những người cùng gặp vấn đề sinh sản như mình. Cô cho biết có rất nhiều việc phải xử lý trong quá trình chữa vô sinh như: uống thuốc hỗ trợ sinh sản hàng ngày, các cuộc hẹn theo dõi, chờ kết quả xét nghiệm, tác động về thể chất và tinh thần do căng thẳng liên tục... trong khi cuộc sống vẫn tiếp diễn xung quanh.
Đôi khi, phụ nữ sẽ cảm thấy quá tải khi vừa phải cân bằng cảm xúc, vừa phải đi làm, thực hiện trách nhiệm với gia đình. "Thực tế là hành trình này rất riêng tư và tế nhị khiến nó trở nên đặc biệt khó khăn, bởi vì không nhiều người biết bạn đang trải qua điều gì. Thậm chí, kể cả những người biết chuyện cũng chưa chắc giúp được bạn", cô nói.
Theo Andrea, mỗi người sẽ có những cách khác nhau để xử lý vấn đề của mình. Một số người lựa chọn chia sẻ khó khăn với người thân. Một số giữ kín toàn bộ quá trình cho đến khi thụ thai thành công. Dù lựa chọn cách nào, Andrea khuyên mọi người điều quan trọng nhất là cần dành thời gian chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi (đi châm cứu, massage, nghỉ dưỡng...). Nếu có thể, phụ nữ nên chia sẻ với "nửa kia" của mình hay bạn bè thân thiết để bản thân cảm thấy thoải mái hơn.
Ngoài ra, việc liên hệ với bác sĩ điều trị để biết rõ tình trạng của bản thân cũng như tiếp nhận những thông tin hữu ích cho quá trình chữa trị cũng rất cần thiết. Andrea cũng khuyên mọi người có thể kết nối với các bệnh nhân hiếm muộn khác để chia sẻ cảm xúc của mình, giúp bản thân thoải mái hơn cũng như có thêm kinh nghiệm trong hành trình điều trị.
Hải My (Theo Illume Fertility)