Trước nhiều ý kiến trái chiều về quy định nồng độ cồn bằng 0 với lái xe, mới đây, Bộ Công an đề xuất duy trì "cấm người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn". Bộ Công an cho rằng trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay "thực sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe. Cụ thể, văn hóa ẩm thực Việt Nam có tính cả nể, nếu quy định nồng độ cồn bằng không thì không uống, nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể bị ép uống.
Cá nhân tôi rất đồng tình với quan điểm của Bộ Công an về việc vẫn cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, vì một số lý do sau:
Thứ nhất, quy định này góp phần đảm bảo cho người dân giữ được sự tỉnh táo tuyệt đối khi tham gia giao thông và hạn chế gây tại nạn không đáng có do sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn.
Thứ hai, quy định cũng tác động tích cực, làm giảm tình trạng uống rượu, bia, gây hại cho cơ thể. Uống rượu bia quá sớm và uống nhiều dẫn đến mất kiểm soát hành vi sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các thế hệ mai sau của đất nước. Bây giờ, người Việt đang sở hữu chiều cao vô cùng khiêm tốn, chênh lệch khá nhiều so với các nước trong khu vực như Nhât Bản. Giảm sử dụng bia, rượu sẽ giúp cải thiện thể hình, thể chất cho thế hệ sau này.
Thứ ba, quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe sẽ hình thành một thói quen ăn uống lành mạnh cho người dân. Không ai còn lo lắng khi bị ép uống như trước nữa.
>> Bốn năm tranh cãi luật độ cồn bằng 0
Thứ tư, thể trạng, tửu lượng của mỗi người đều khác nhau. Người yếu có thể uống say từ tối hôm trước nhưng hôm sau tỉnh dậy cũng chưa chắc đã hết nồng độ cồn, cũng chưa chắc sẽ đủ tỉnh táo để tham gia giao thông.
Thứ năm, khi có nồng độ cồn mà muốn tham gia giao thông, chúng ta vẫn có nhiều sự lựa chọn khác như thuê xe dịch vụ. Do đó, luật không hề gây khó dễ cho người sử dụng rượu, bia. Quan trọng là mỗi người có ý thức và chịu tìm giải pháp thay thế hay không mà thôi.
Tóm lại, quan điểm duy trì nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe của Bộ Công an là rất hợp lý. Người tham gia giao thông phải thực sự tỉnh táo vì giờ số lượng phương tiện cá nhân ở ta rất đông. Nếu lái xe khi còn nồng độ cồn, chẳng có gì đảm bảo bạn sẽ có thể xử lý mọi tình huống một cách an toàn nhất.
Hãy nhớ, luật không cấm bạn ra đường khi đã uống rượu, bia, đồ uống có cồn, mà chỉ ngăn bạn cầm lái nếu đã có nồng độ cồn. Nếu cần đi lại, bạn chỉ việc thuê xe dịch vụ hoặc nhờ người khách chở là được. Luật không làm khó ai, chỉ có những người muốn gây khó dễ cho người làm luật.
Việt Nam tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn cao, thứ hai Đông Nam Á, thứ 10 châu Á, thứ 29 thế giới, là tỷ lệ rất đáng báo động. Từ tháng 6/2022 đến 12/2023, 20% số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia; trong đó 80% là lỗi của lái xe do uống rượu bia.
Nghị định 100/2019 quy định: Lái xe sẽ bị xử phạt khi có nồng độ cồn vượt mức 0. Mức phạt nồng độ cồn cao nhất với người đi xe đạp từ 400.000 đến 600.000 đồng; xe máy 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; ôtô 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.
- Nồng độ cồn bằng 0 - 'bất tiện cũng phải chấp nhận'
- 'Độ cồn bằng 0 sẽ hạn chế xe cá nhân'
- Ngụy biện 'ăn tôm hấp bia bị phạt nồng độ cồn'
- Cho bạn nhậu mượn xe
- Nhà tôi không sợ thổi nồng độ cồn
- Siết độ cồn bằng 0 vì 'cứ thấy quán nhậu là tấp vô'