Dù đã được ban hành và áp dụng hơn bốn năm, nhưng đến nay, quy định nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe vẫn đang gây nhiều tranh cãi. Điều buồn cười là ở chỗ với quy định này, bất cứ thứ gì dung nạp vào người, tôi đều phải hỏi hoặc kiểm định xem nó có cồn không? Người Việt vốn có thói quen dùng gia vị khá nhiều, đồ chấm cũng vậy. Không lẽ tôi ăn nộm đu đủ cũng phải hỏi nước chấm có cho đồ có cồn vào đó không? Hay phải làm rõ dấm ăn liệu có còn chút cồn nào trong đó không?
Như vậy, với luật độ cồn bằng 0, có lẽ chúng ta cũng phải ban hành "Quy định về đồ ăn, đồ uống phải được kiểm nghiệm và công bố rõ ràng về nồng độ cồn cho thực khách". Nếu tôi vào ăn nhà hàng mà gọi món mực hấp, không lẽ tôi phải dặn họ không được hấp bằng bia? Và nếu hấp bia thì phải đảm bảo cho tôi là khi tôi ăn món đó xong, nồng độ cồn phải bằng 0. Nếu nhà hàng nói sẽ đảm bảo hấp kỹ để không còn cồn, nhưng tôi ăn xong vẫn bị thổi phạt thì lỗi tại tôi hay tại nhà hàng?
Nói tóm lại, rượu, bia hay chất có cồn được sử dụng rất phổ biến trong đồ ăn, nền ẩm thực của người Việt. Vậy nên, luật được tạo ra để bảo vệ người dân khỏi tác hại của chất cồn khi tham gia giao thông, nhưng không nên làm khó người dân. Nếu lượng cồn lớn hơn 0 nhưng không đủ gây ra tác hại, mà người dân vẫn bị phạt thì có hợp lý không? Đó là câu hỏi mà các nhà làm luật cần nghiên cứu thật thấu đáo trên cơ sở khoa học.
>> 'Bị phạt 7 triệu đồng vì chén rượu uống từ hôm trước'
Tôi rất ủng hộ mục tiêu của việc áp dụng nồng độ cồn bằng là nhằm răn đe và giảm thiểu tai nạn do việc sử dụng chất có cồn khi tham gia giao thông gây ra. Nhưng bên cạnh đó, nó còn mang nhiều ý nghĩa "tế nhị" khác nữa. Khái niệm "lớn hơn 0" là như thế nào? 0,001 cũng là lớn hơn 0. Vậy, công cụ kiểm tra sẽ là vấn đề quyết định xem bạn có bị phạt hay không? Trong khi công cụ đo độ cồn có ngưỡng đến đâu thì độ chính xác và tỷ lệ người bị phạt sẽ tăng theo đó. Ngoài ngưỡng kiểm tra, vấn đề sai số của thiết bị kiểm tra cũng cần được tính toán cụ thể.
Nếu chúng ta chỉ căn cứ định tính theo máy móc để quy tội và xử phạt, thì rõ ràng sẽ có phản ứng của người dân. Câu hỏi là: "Nếu chỉ đơn thuần là mang tính răn đe và nhằm giảm thiểu tại nạn giao thông do tác hại của chất có cồn thì có nhất thiết phải siết độ cồn bằng 0 như hiện tại không?".
Ví dụ, nhiều nước trên thế giới có áp dụng kèm một số phương pháp kiểm tra khả năng lái xe (độ tỉnh táo) khác rất nhanh gọn, như: yêu cầu tài xế vẽ theo hình, đi thẳng, đọc đoạn văn... Đồng thời, với việc sàng lọc chính xác các trường hợp, chúng ta có thể áp dụng mức chế tài xử phạt tăng cao hơn nữa với những tài xế thực sự mất kiểm soát hành vi khi lái xe.
Hy vọng tất cả những thắc mắc trên sẽ được cơ quan chức năng giải đáp thật rõ ràng và thỏa đáng, cũng như tìm ra một phương án khả thi nhất để giảm thiểu tối đa những bất cập và phiền toái không đáng cho cho người tham gia giao thông như thời gian qua.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.