Đau họng thường do nhiễm virus có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể hơn bình thường nhưng không đủ để gây sốt. Đau họng nhưng không sốt thường ít đáng lo ngại hơn đau họng kèm theo sốt. Dưới đây là 5 nguyên nhân thường gặp.
Cảm lạnh thông thường
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây đau họng mà không sốt là cảm lạnh thông thường. Nếu bạn bị cảm lạnh thì có thể gặp các triệu chứng khác như hắt xì, nghẹt mũi, ho, chảy nước mắt, mệt mỏi. Cảm lạnh thông thường có thể tự khỏi sau 7-10 ngày. Nghỉ ngơi, uống trà nóng với mật ong hoặc uống thuốc giảm đau giúp kiểm soát các triệu chứng.
Viêm amidan
Viêm hoặc sưng tấy amidan thường xảy ra nhất do nhiễm virus nhưng cũng có thể là do nhiễm vi khuẩn. Viêm amidan phổ biến ở trẻ em dưới 2 tuổi, dù cũng có thể xảy ra ở người lớn. Nếu người lớn hoặc trẻ nhỏ bị viêm amidan có thể có các triệu chứng như đau họng nhiều; amidan sưng đỏ; có lớp phủ màu trắng hoặc vàng trên amidan; khó nuốt; hôi miệng; các tuyến sưng trên cổ.
Viêm amidan do virus tự khỏi trong vòng 3-5 ngày. Người bệnh có thể sử dụng ibuprofen để kiểm soát cơn đau và ăn những thức ăn nhẹ, uống trà ấm. Nếu người bệnh gặp khó khăn khi nuốt hoặc viêm amidan lặp đi lặp lại thì nên thăm khám bác sĩ.
Dị ứng
Dị ứng theo mùa (còn gọi là viêm mũi dị ứng hoặc sốt cỏ khô) có thể gây đau họng mà không sốt ở trẻ em, người lớn. Điều này xảy ra do chảy nước mũi sau hoặc chất nhầy từ mũi chảy xuống cổ họng và dẫn đến kích ứng. Nếu đau họng do dị ứng, bạn có thể nhận thấy triệu chứng sau khi bạn tiếp xúc với các tác nhân như phấn hoa, lông thú cưng.
Các triệu chứng dị ứng khác mà người bệnh có thể gặp như hắt hơi; sổ mũi; nghẹt mũi; ho, ngứa mắt, mũi, miệng, cổ họng, nhức đầu và áp lực ở mũi, má; mắt chảy nước, đỏ và sưng. Cách tốt nhất để kiểm soát dị ứng là tránh các yếu tố kích hoạt (nếu có thể) như đóng cửa sổ khi các tác nhân gây dị ứng cao. Trường hợp bạn vẫn gặp các triệu chứng thì có thể sử dụng thuốc xịt mũi kháng histamine hoặc steroid để giảm chảy nước mũi sau xuống cổ họng.
Trào ngược axit
Nếu bạn bị đau họng dai dẳng mà không bị sốt có thể là do trào ngược axit (trào ngược dạ dày thực quản - GERD) xảy ra khi các chất trong dạ dày đi qua thực quản vào cổ họng và miệng. Khi đó, chúng có thể gây kích ứng cổ họng.
Trào ngược axit có thể xảy ra thỉnh thoảng hoặc thường xuyên. Tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn, người mang thai và người thừa cân, mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị trào ngược. Người bị đau họng do trào ngược có thể nhận thấy các triệu chứng như ợ nóng, đau ngực liên tục, ho mạn tính hoặc khàn giọng, khó nuốt, buồn nôn... Những triệu chứng này có thể trở nên tồi tệ hơn khi bạn ăn một số loại thực phẩm như thực phẩm có tính axit, cay hoặc khi bạn nằm xuống.
Thay đổi lối sống như điều chỉnh chế độ ăn uống và giảm cân có thể giảm chứng trào ngược mạn tính. Đối với những cơn trào ngược nhẹ hoặc thỉnh thoảng, thuốc kháng axit có thể giúp ích, nhưng bạn không nên sử dụng chúng hàng ngày. Bạn nên hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi dùng thuốc và thăm khám nếu trào ngược axit xảy ra thường xuyên.
Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Một số bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, mụn rộp... cũng có biểu hiện đau họng, nhất là khi bạn tiếp xúc với virus qua đường miệng. Đau họng có thể là một trong những triệu chứng đầu tiên của nhiễm HIV, xuất hiện vài tuần sau khi phơi nhiễm. Nếu bạn bị nhiễm HIV thì có thể sốt hoặc không.
Thông thường, các bệnh lây truyền qua đường tình dục ít có triệu chứng. Tuy nhiên, một số người có thể nhận thấy vết loét trên bộ phận sinh dục hoặc miệng, đau khi đi tiểu hoặc đi tiểu thường xuyên hơn, tăng tiết dịch sinh dục, đau ở xương chậu, đau bên trong dương vật hoặc âm đạo.
Người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh hoặc thuốc kháng virus Khi nghi ngờ đau họng do nguyên nhân này, bạn nên thăm khám bác sĩ và thực hiện xét nghiệm cần thiết. Khám sàng lọc bệnh lây truyền qua đường tình dục thường xuyên là một phần trong chăm sóc sức khỏe định kỳ.
Kim Uyên
(Theo Insider)