Bác sĩ Lê Văn Điềm (khoa Ngoại tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh) cho biết, gan nhiễm mỡ là tình trạng chất béo trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan, được chia thành 2 loại: gan nhiễm mỡ do bia rượu và gan nhiễm mỡ không do bia rượu. Một số nghiên cứu cho thấy, có 90% người hay uống rượu bia bị gan nhiễm mỡ. Tỷ lệ này ở người béo phì là 95%. Tùy mỗi hình thức, quá trình tích tụ mỡ trong gan diễn ra theo nhiều cơ chế khác nhau.
Gan nhiễm mỡ là bệnh lý khá phổ biến và đang có xu hướng gia tăng, không chỉ xuất hiện ở người già mà ngay cả đối tượng trẻ cũng không loại trừ. Tuy nhiên, theo bác sĩ Điềm, không ít người hiểu sai về căn bệnh này. Đây chính là rào cản rất lớn trong việc tầm soát và điều trị bệnh kịp thời, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là những lầm tưởng thường gặp.
Người trẻ thường ít mắc bệnh gan nhiễm mỡ
Theo bác sĩ Lê Văn Điềm, nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ tăng gấp 4,6 lần ở những người thừa cân, béo phì, nhất là dạng béo bụng. Bệnh không chỉ gặp ở người trung niên mà cả người trẻ với tỷ lệ khá cao. Trung bình cứ khoảng 10 người làm xét nghiệm lâm sàng thì có 6 người bị gan nhiễm mỡ. Hiện nay, tỷ lệ trẻ em bị thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng. Điều này xuất phát từ thói quen ăn uống, thường xuyên ăn thức ăn nhanh, chứa nhiều đường, chất béo bão hòa, thực phẩm chứa chất bảo quản gây rối loạn chuyển hóa mỡ ở gan. Thói quen ít vận động khiến mỡ thừa tích tụ, làm tổn thương gan, gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ được xem là căn bệnh của thời đại, do ảnh hưởng từ lối sống với nhiều người béo phì bị gan nhiễm mỡ.
Chỉ có người thừa cân mới bị gan nhiễm mỡ
Nhiều bệnh nhân bị gan nhiễm mỡ do béo phì. Tuy nhiên, theo bác sĩ ,không hiếm những người có vóc dáng mảnh mai, thân hình ốm yếu cũng mắc bệnh này. Những bệnh nhân gầy gò, suy dinh dưỡng hay áp dụng chế độ giảm cân quá nhanh (trên một kg một tuần) thường rơi vào tình trạng thiếu chất dinh dưỡng.
Thiếu chất đồng nghĩa với việc thanh lọc mỡ bên trong cơ thể cũng bị hạn chế. Người ăn ít hay ăn kiêng quá mức sẽ khiến lượng đường trong máu thấp, cơ thể sẽ tự điều chỉnh tăng hấp thu mỡ để phân giải thành năng lượng. Nếu lười vận động, mỡ sẽ tích tụ mà không được chuyển hóa, axit béo đi vào máu nhiều, vượt quá mức cho phép gây ra bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ không nguy hiểm
Gan nhiễm mỡ tuy không ảnh đến hoạt động của cơ thể, song nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời có nguy cơ dẫn đến viêm gan, xơ gan và thậm chí có thể gây ung thư gan. "Không nên coi thường bệnh gan nhiễm mỡ vì đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây xơ gan, sau virus viêm gan B, C...", bác sĩ Điềm nói.
Ngồi nhiều không liên quan đến gan nhiễm mỡ
Theo báo cáo mới đây của trường Đại học Missouri (Mỹ), ngồi liên tục và quá lâu gây tác hại cho cơ thể. Vì khi cơ thể ở tư thế ngồi, các khối cơ thư giãn và hoạt động enzyme tiêu hóa giảm 90-95%, khiến lượng chất béo tồn đọng nhiều trong máu và gan. Do vậy, với những người ngồi làm việc quá lâu, ít di chuyển như nhân viên văn phòng, công nhân... hoặc những người thường xuyên ngồi xem tivi, online trong thời gian dài ngoài khả năng mắc các bệnh về tim mạch, đường huyết cũng có thể mắc phải gan nhiễm mỡ.
Ăn chay thì không bị gan nhiễm mỡ
Bác sĩ Điềm cho biết thêm, rất nhiều người quan điểm, ăn chay, kiêng thịt cá sẽ giúp loại bỏ mỡ thừa trong gan. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đây là quan điểm sai lầm. Ăn chay lâu năm thường dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ. Ăn chay không đúng cách, chỉ ăn rau xanh sẽ khiến cơ thể thiếu đi dưỡng chất cần thiết để đảm bảo các chuyển hóa cơ bản. Ăn chay trong thời gian dài sẽ khiến cơ thể thiếu protein. Lúc này, cơ thể sẽ sử dụng chất béo đã tích lũy từ trước thông qua chuyển hóa ở gan. Tuy nhiên, quá trình này lại chính là nguyên nhân khiến mỡ tích tụ trong gan, gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Chế độ ăn chay khoa học thì cần kết hợp đa dạng các nhóm dưỡng chất cần thiết với tỷ lệ cân đối, tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Người ăn chay cần chú ý lượng đạm trong thực vật ít hơn nhiều so với động vật nên cần bổ sung đủ lượng cần thiết cho cơ thể; cần chú ý lượng thức ăn đầy đủ, đúng tiêu chuẩn của từng người. Phân bổ lượng thức ăn giúp đảm bảo bữa sáng ít nhất phải đạt 1/3 khẩu phần của cả ngày, sau đó là trưa, tối giảm dần.
Gan nhiễm mỡ là bệnh lý diễn tiến khá âm thầm và không có triệu chứng điển hình, dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh lý khác. Một số trường hợp có thể gặp các dấu hiệu mơ hồ như cảm thấy chán ăn, mệt mỏi, vàng da, cơ thể khó chịu, hay buồn nôn... vốn dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của nhiều bệnh lý khác. Nếu không được cải thiện kịp thời, gan nhiễm mỡ có thể diễn tiến đến các bệnh lý nguy hiểm như viêm gan, xơ gan, thậm chí ung thư gan.
Người bệnh cần có biện pháp phòng bệnh từ sớm, bên cạnh điều chỉnh lối sống, vận động và dinh dưỡng khoa học, khám bệnh định kỳ. Hiện nay, theo bác sĩ Điềm, một số người còn sử dụng các tinh chất từ thiên nhiên có tác dụng kiểm soát tế bào Kupffer. Tế bào Kupffer có nhiệm vụ loại bỏ các tế bào gan chết. Tuy nhiên, khi tế bào Kupffer bị kích hoạt quá mức bởi các yếu tố gây hại như thực phẩm nhiễm độc, rượu bia, thuốc điều trị, virus, vi khuẩn... sẽ phóng thích ra các chất gây viêm như Leukotriene, Interleukin, TNF-α, TGF-β... làm tổn thương tế bào gan, khiến gan bị hủy hoại và mắc các loại bệnh lý.
Kiểm soát hoạt động tế bào Kupffer là giải pháp hỗ trợ ngăn chặn cơ chế bệnh sinh của gan nhiễm mỡ và các bệnh lý gan khác. Qua một số nghiên cứu cho thấy, bộ đôi tinh chất s. marianum kết hợp cùng wasabia japonica góp phần cải thiện tình trạng tổn thương tế bào gan, hỗ trợ tăng cường giải độc gan, hạ men gan, giảm viêm gan, gan nhiễm mỡ và phòng ngừa xơ hóa.
Nếu phát hiện và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm có thể giúp gan hồi phục. Nếu để gan nhiễm mỡ diễn tiến lên những mức độ nặng hoặc chuyển sang viêm gan nhiễm mỡ, xơ gan thì rất khó có thể giúp gan phục hồi chức năng bình thường.
Quyên Phan