Nhận biết dấu hiệu trẻ sốt
Trẻ sốt do nhiều nguyên nhân như nhiễm vi khuẩn, virus, mất nước, say nắng. Khi sốt, các phản ứng miễn dịch trong cơ thể tăng hoạt động làm tăng khả năng đáp ứng miễn dịch và tiêu diệt mầm bệnh. Sốt kích thích các phản ứng chuyển hóa trong tế bào và tạo điều kiện để tích lũy năng lượng dự trữ. Tuy nhiên, sốt có thể làm cơ thể bị mất nước, rối loạn điện giải, có thể gây co giật.
Bé bị sốt thường có dấu hiệu như má đỏ và nóng, ớn lạnh, đổ mồ hôi... Trẻ sốt cao trên 38,5 độ C có các biểu hiện như buồn ngủ hơn bình thường, đau đầu, tiêu chảy, đau họng, đau tai, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy, phát ban không rõ nguyên nhân; cần đến bệnh viện khám.
Dùng thuốc khi cần thiết
Nếu cơn sốt nhẹ, bé vẫn chơi, ăn uống bình thường thì có khả năng tự khỏi sốt. Cha mẹ cũng có thể giảm khó chịu cho bé bằng cách sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Những loại thuốc này thường có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng, giúp bé đỡ mệt hơn. Tránh lạm dụng thuốc có thể gây ra nhiều vấn đề về gan.
Bù nước
Sốt đổ mồ hôi có thể làm trẻ mất nước. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, mẹ cho bé bú sữa mẹ hoặc sữa công thức để cung cấp nước. Trẻ ăn dặm ngoài uống sữa có thể uống thêm nước trái cây để bổ sung vitamin và khoáng chất. Bé nên uống nước ấm nhằm giảm nguy cơ mất nước do sốt, cải thiện tình trạng thở nhanh, dịu họng, loãng đờm. Trẻ tránh dùng đồ uống chứa caffeine vì làm tăng nguy cơ mất nước.
Bé ăn đủ chất
Trẻ sốt thường chán ăn hơn bình thường. Cha mẹ cần đảm bảo con ăn đủ bữa, chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Gia đình ưu tiên chế biến thức ăn lỏng, dễ tiêu hóa như bột, cháo, súp... Nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày, khoảng 2-3 giờ một lần, tăng dần năng lượng và protein.
Mặc quần áo thoáng mát
Trẻ sốt không nên mặc quá nhiều quần áo hoặc đắp chăn dày vì có thể khiến nhiệt độ cơ thể tăng cao. Bé nên mặc những bộ quần áo nhẹ, thoáng khí bằng vải cotton. Phụ huỵnh giữ phòng ở nhiệt độ vừa phải, đắp khăn ẩm, mát lên trán hoặc sau gáy để con dễ chịu hơn.
Cha mẹ không nên hạ sốt cho trẻ bằng cách chườm lạnh vì có thể khiến bé bị bỏng lạnh và suy hô hấp. Khi bé sốt, run, chân tay lạnh ngắt, người lớn cũng không nên ủ ấm quá nhiều bởi có thể làm tình trạng nặng hơn.
Lê Nguyễn (Theo Parents)