Viêm ruột thừa có thể xảy ra ở mọi người, trong đó phổ biến nhất là độ tuổi 20-40. Các nguyên nhân gây viêm có thể do bít tắc trong lòng ruột thừa, sự xâm nhập của vi khuẩn, sỏi phân trong ruột thừa...
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Lượng, khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa là phương pháp điều trị tiêu chuẩn hiện nay, gồm mổ mở hoặc nội soi. Phẫu thuật nội soi có nhiều ưu điểm giúp đảm bảo thẩm mỹ, ít đau, giảm nguy cơ nhiễm trùng, hồi phục sớm sau mổ... Sau phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa cấp, bệnh nhân có thể xuất viện sau một ngày và phục hồi sức khỏe tại nhà. Còn nếu mổ mở, người bệnh phải ở lại bệnh viện từ ba ngày đến một tuần.
Bác sĩ Lượng gợi ý một số cách chăm sóc dưới đây để quá trình phục hồi diễn ra tốt nhất.
Chia nhỏ bữa ăn trong ngày
Hậu phẫu, người bệnh nên ăn 6-8 bữa với lượng nhỏ thay vì ba bữa như thông thường, sau đó giảm dần số bữa và tăng dần lượng thức ăn mỗi bữa. Các bữa ăn nên đầy đủ chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo từ thịt và cá, rau xanh, quả. Tuần đầu người bệnh nên ăn đồ lỏng, mềm, sau đó ăn uống sinh hoạt bình thường.
Uống đủ nước, tăng cường rau củ quả
Người bệnh nên chọn thực phẩm lành mạnh và dễ tiêu hóa như cháo, súp. Tăng cường rau củ quả tươi sạch giàu vitamin C như dâu tây, cam, chanh, ổi, kiwi, bưởi... để tăng sức đề kháng, hỗ trợ quá trình làm sạch đường ruột, cung cấp vitamin, khoáng chất, chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và hồi phục sau mổ. Đậu xanh có chứa chất kháng khuẩn, cũng nên ăn sau mổ. Uống đủ ít nhất hai lít nước mỗi ngày để tránh táo bón. Lưu ý không sử dụng các loại nước ngọt nhiều đường, trà đặc, cà phê...
Tránh chất kích thích, thực phẩm không lành mạnh
Người bệnh không hút thuốc, kiêng uống rượu bia... để tránh gây căng thẳng cho cơ thể đang trong quá trình phục hồi. Hạn chế các món dễ gây đầy bụng, khó tiêu, gồm thực phẩm nhiều đường tinh chế, bột tinh chế, đồ ăn nhanh, chiên rán nhiều dầu mỡ... Sữa bò, thịt đỏ và trứng cũng nên cắt giảm để tránh cảm giác nặng bụng và khó tiêu hóa.
Nghỉ ngơi
Sau phẫu thuật, phản ứng tự nhiên của cơ thể là dừng hoạt động bình thường để tập trung vào việc chữa lành. Bệnh nhân có xu hướng ngủ nhiều hơn trong ít nhất một tuần đầu sau phẫu thuật, dù là mổ mở hay nội soi. Dành thời gian nghỉ ngơi nhiều, sinh hoạt điều độ, tránh thức khuya giúp cơ thể giảm mệt mỏi, nhanh hồi phục. Sau khoảng hai tuần, người bệnh điều trị viêm ruột thừa cấp có thể trở lại với nhịp sinh hoạt bình thường.
Tăng dần hoạt động
Người bệnh nghỉ ngơi nhưng cũng cần kết hợp vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ tiêu hóa, rèn luyện cơ thể dẻo dai và tăng cường sức khỏe tổng thể. Bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân vận động sớm, rời khỏi giường ngay từ ngày đầu sau mổ để nhanh có nhu động ruột, tăng cường hồi phục sớm.
Duy trì thực hiện các bài tập nhẹ nhàng như ngồi trên mép giường với hai chân buông thõng ra khỏi mép giường. Nâng hai chân lên cho đến khi song song với sàn, giữ thẳng lưng và căng cơ. Giữ trong vài giây trước khi từ từ hạ chân xuống vị trí ban đầu. Lặp lại cho đến khi thấy mệt.
Sau một vài tuần, bệnh nhân có thể đi bộ nhẹ nhàng quanh nhà. Không nâng hay mang vác vật nặng, hạn chế chơi thể thao trong khoảng 2-4 tuần đầu tiên sau mổ để tránh căng cơ và áp lực lên vùng bụng phẫu thuật.
Triệu chứng viêm ruột thừa gồm đau bụng, thường âm ỉ liên tục, tăng dần vùng hố chậu phải. Một số trường hợp đau quanh rốn, đau vùng thượng vị (trên rốn). Bệnh không được can thiệp kịp thời dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm phúc mạc ruột thừa, áp xe ruột thừa, nhiễm trùng. Nếu phát hiện muộn và xử trí không kịp thời, tình trạng bệnh nặng có thể dẫn đến tử vong. Bác sĩ Lượng khuyến cáo người có các triệu chứng bất thường nên đi khám sớm.
Ly Nguyễn
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiêu hóa tại đây để bác sĩ giải đáp |