Mệt mỏi được chia làm nhiều loại gồm mệt mỏi do sinh lý, mệt mỏi mạn tính hay mệt mỏi thứ phát do tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Mệt mỏi kéo dài khiến cơ thể uể oải, thiếu năng lượng, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, thường xuyên buồn ngủ, thiếu tỉnh táo, khó suy nghĩ. Người bệnh cũng có thể mất hứng thú trong công việc và cuộc sống. Một số cách dưới đây hỗ trợ giảm mệt mỏi, tăng cường năng lượng cho cơ thể.
Bổ sung sắt
Thiếu máu có thể xảy ra ở mọi độ tuổi nhưng thường gặp nhất là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Thiếu máu là nguyên nhân phổ biến gây mệt mỏi kèm theo cảm giác chóng mặt, cáu kỉnh. Các nguyên nhân thiếu máu khác bao gồm thiếu sắt, thiếu axit folic hoặc vitamin B12. Các bệnh mạn tính như tiểu đường hoặc bệnh thận cũng dễ dẫn đến thiếu máu.
Trong trường hợp này, người bệnh nên bổ sung sắt từ thực phẩm như rau bina, bông cải xanh và thịt đỏ vào chế độ ăn uống. Bổ sung thêm vitamin C trong bữa ăn góp phần thúc đẩy hấp thụ sắt tốt hơn và cải thiện các triệu chứng mệt mỏi. Hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn về các loại thuốc bổ sung sắt (nếu cần).
Vận động
Tập thể dục giúp cơ thể hoạt động linh hoạt, năng động hơn, cải thiện hoạt động của tim, phổi, cơ bắp, giảm mệt mỏi. Bạn có thể chọn bài tập đi bộ, đạp xe hoặc yoga để tăng sự dẻo dai.
Uống nhiều nước
Mất nước làm giảm năng lượng, gây mệt mỏi, thể chất suy kiệt. Mất nước cũng được chứng minh làm giảm tỉnh táo và khả năng tập trung. Dấu hiệu mất nước dễ nhận thấy là nước tiểu có màu vàng đậm, khô miệng, chóng mặt. Người lớn nên uống đủ 1,5-2 lít nước mỗi ngày, tăng lượng nước nếu phải thường xuyên vận động nhiều và làm việc ngoài trời.
Ngủ đủ giấc
Thiếu ngủ khiến bạn buồn ngủ vào ban ngày, tăng nguy cơ tai nạn. Thiếu ngủ còn là một trong những nguyên nhân gây mệt mỏi vào ban ngày. Vệ sinh giấc ngủ tốt như dọn dẹp phòng thoải mái, sạch sẽ, không uống cà phê vào chiều tối, thư giãn trước khi ngủ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Ngủ trưa 30 phút mỗi ngày còn giúp tỉnh táo, thúc đẩy hiệu suất và khả năng học tập, tăng cường năng lượng.
Giảm cân
Béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, huyết áp cao... Giảm mỡ hỗ trợ ngăn ngừa bệnh, cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống, bớt mệt mỏi. Người thừa cân, béo phì nên ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày, ưu tiên rau xanh, protein nạc, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để giảm cân. Người bệnh nên kiểm soát huyết áp và lượng đường trong máu, phòng suy nhược cơ thể.
Anh Chi (Theo WebMD)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để được bác sĩ giải đáp |