Khi trẻ sốt, nhiều phụ huynh gặp khó khăn khi đo nhiệt độ cho con. Trẻ không hợp tác khi phải kẹp nhiệt kế ở nách, bẹn... Nhiều cách kiểm tra thân nhiệt cho trẻ, ngoài đo nhiệt độ ở nách. Mỗi phương pháp yêu cầu một thiết bị tương ứng, kết quả cũng khác nhau tùy vào bộ phận cơ thể đang kiểm tra. Để không gặp lúng túng trong việc đo nhiệt độ cho trẻ, phụ huynh có thể tìm hiểu thêm 5 cách kiểm tra thân nhiệt sau.
Ở lỗ tai: Phụ huynh đặt nhiệt kế ở lối vào ống tai, không đẩy quá sâu vào trong lỗ tai trẻ để tránh tổn thương tai. Sau khoảng 3 phút, đọc nhiệt độ trên nhiệt kế. Cách này nên thực hiện khi trẻ nằm ngủ để đảm bảo an toàn.
Qua miệng: Phương pháp này yêu cầu nhiệt kế được giữ bên dưới lưỡi khoảng 3 phút trước khi đọc nhiệt độ. Các nhiệt kế sử dụng phổ biến nhất để kiểm tra nhiệt độ bằng miệng.
Trực tràng: Phương pháp này thường được sử dụng cho trẻ sơ sinh, nhất là trẻ dưới 3 tháng tuổi vì cho kết quả chính xác. Giống như các phương pháp khác, cần để nhiệt kế tại chỗ trong vài phút để có kết quả chính xác. Nếu em bé không hợp tác với đo nhiệt độ trực tràng, cha mẹ nên dỗ cho trẻ ngủ để thử lại.
Đo ở nách: Đây là cách đo nhiệt độ quen thuộc của nhiều bậc phụ huynh. Nhiệt độ được đo bằng cách đặt nhiệt kế ở nách, trong khoảng 2-3 phút. Phương pháp này có nhược điểm là gây khó chịu cho trẻ nhỏ, bé thường xuyên cử động, chạy nhảy dẫn đến sai lệch kết quả. Tuy nhiên kiểm tra nhiệt độ ở nách thường cho kết quả chính xác cao nhất nếu thực hiện đúng kỹ thuật.
Đo nhiệt độ trên trán và thái dương: Loại đo nhiệt độ này sử dụng một thiết bị được đặt trên trán. Thiết bị thay đổi màu sắc tương ứng với nhiệt độ cơ thể hoặc có thể cho kết quả kỹ thuật số. Đây là phương pháp kiểm tra thân nhiệt ít xâm lấn, cho kết quả không chính xác tuyệt đối.
Phụ huynh khi sử dụng nhiệt kế, lưu ý cho nhiệt độ về mức nhiệt độ phòng, làm sạch nhiệt kế bằng miếng tẩm cồn giữa mỗi lần sử dụng.
Theo Very Well Health, nếu bạn đang điều trị cho một đứa trẻ bị sốt, lưu ý không bao giờ cho trẻ dưới 18 tuổi dùng aspirin; không nên cho bé dưới 2 tháng tuổi uống thuốc hạ sốt; không đặt trẻ vào bồn nước đá để hạ sốt, nó có thể nguy hiểm, làm cho nhiệt độ cơ thể giảm quá nhanh.
Cơ thể trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có cơ chế điều chỉnh nhiệt độ mong manh, dễ ảnh hưởng do sốt. Nếu trẻ sơ sinh dưới 3 tháng bị sốt, cha mẹ nên gọi cho bác sĩ để được chăm sóc. Bé từ 3 tháng trở lên, nếu sốt lì bì, sốt trên 4 ngày, không đáp ứng thuốc hạ sốt, sốt trên 39 độ, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt.
Sốt không được điều trị có thể dẫn đến vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Các biến chứng của sốt bao gồm:
Mất nước: Sốt có liên quan đến mệt mỏi, giảm lượng nước hấp thụ và đổ mồ hôi, tất cả đều có thể dẫn đến mất nước.
Lú lẫn: Trẻ có thể bị giảm sự chú ý và bối rối khi bị sốt.
Ảo giác: Sốt cao có thể khiến trẻ trải qua trạng thái dao động như mơ, dẫn đến ảo giác khó hiểu, đặc biệt là khi trẻ không chắc mình đang thức hay đang ngủ.
Mất ý thức: Trong một số tình huống, đặc biệt là khi bị mất nước, trẻ có thể bất tỉnh do sốt.
Co giật do sốt: Sự thay đổi nhiệt độ cơ thể ảnh hưởng đến cách các protein và chất dẫn truyền thần kinh hoạt động trong cơ thể, có khả năng gây ra cơn co giật conic toàn thân đột ngột. Biến chứng này phổ biến hơn ở trẻ nhỏ.
Anh Chi (Theo Very Well Health)