Quá trình mang thai khiến phụ nữ dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng, trong đó có thể dẫn đến rủi ro cho thai kỳ như sẩy thai, thai chết lưu, sinh con nhẹ cân hoặc dị tật bẩm sinh. Vì thế, việc phát hiện sớm giúp giảm thiểu rủi ro và đảm bảo sức khỏe cho em bé. Dưới đây là 5 bệnh nhiễm trùng nếu mẹ mắc trong thai kỳ thì có thể gây hại khi mang thai.
Nhiễm virus cytomegalo
Theo Times of India, những thai phụ nhiễm virus cytomegalo (CMV) sẽ khiến trẻ có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh. Các triệu chứng của CMV bẩm sinh ở trẻ gồm viêm võng mạc, phát ban lúc mới sinh, đầu nhỏ bất thường cùng với sự phát triển không hoàn chỉnh của não (tức là tật đầu nhỏ), vàng da, mở rộng gan và lá lách, cân nặng khi sinh thấp, co giật...
Các nhà khoa học cho biết, virus cytomegalo tồn tại tự nhiên trong môi trường nên rất khó để tránh khỏi. Tuy nhiên, các bà mẹ có thể tự bảo vệ mình bằng cách rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc với những người dễ lây lan virus.
Nhiễm virus rubella
Theo Healthline, phụ nữ bị nhiễm virus rubella trong 11 tuần đầu của thai kỳ có tới 90% khả năng sinh con bị hội chứng rubella bẩm sinh. Nếu nhiễm trong 20 tuần đầu tiên, tỷ lệ giảm xuống còn 20%. Ngoài ra, trẻ cũng có thể mắc các bệnh như dị tật ở mắt, tai và tim hoặc tật đầu nhỏ, chứng tự kỷ và chậm phát triển.
Hiện tại bệnh rubella chưa có phương pháp điều trị cụ thể. Do đó, các bà mẹ cần tiêm vaccine phòng rubella trước khi mang thai để tăng cường khả năng miễn dịch và tránh các biến chứng cho trẻ về sau.
Nhiễm trùng viêm cầu B
Vi khuẩn liên cầu nhóm B có trong tự nhiên và nhiễm vào cơ thể nhưng không gây hại. Tuy nhiên, thai phụ nhiễm khuẩn này có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho em bé hoặc mất thính giác, thị lực kém và các vấn đề về tâm thần.
Bệnh thường không có triệu chứng, do đó các bà mẹ nên thực hiện xét nghiệm sàng lọc vào khoảng tuần thứ 35 – 37 của thai kỳ. Để điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc kháng sinh phù hợp.
Nhiễm virus herpes
Theo Verywell Family, nhiễm virus herpes khi mang thai có thể dẫn đến sẩy thai, sinh non và nhẹ cân. Nếu thai phụ nhiễm herpes vào cuối thai kỳ, trong khi sinh hoặc ngay sau khi sinh thì em bé có thể bị dị tật đầu nhỏ, viêm võng mạc, phát ban và não úng thủy.
Tuy nhiên, nguy cơ của virus herpes có thể được giảm thiểu bằng cách sử dụng thuốc kháng virus - acyclovir. Loại thuốc này thường được các bác sĩ kê đơn trong bốn tuần cuối của thai kỳ với thai phụ trải qua đợt mụn rộp sinh dục khi mang thai.
Thủy đậu
Thai phụ bị thủy đậu trong tam cá nguyệt thứ nhất hoặc thứ hai sẽ khiến trẻ sinh ra có nguy cơ mắc thủy đậu bẩm sinh, gây khuyết tật về thể chất và tinh thần. Nếu mắc bệnh trong tam cá nguyệt thứ ba, nguy cơ bị phơi nhiễm sẽ giảm xuống.
Nếu thai phụ từng bị thủy đậu hoặc đã tiêm chủng ngừa sẽ ít có nguy cơ mắc bệnh này trong thời gian mang thai. Tuy nhiên, các bà mẹ không nên lơ là với các dấu hiệu sốt nhẹ, sổ mũi, ho nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, chán ăn hoặc xuất hiện các chấm đỏ trên cơ thể. Thay vào đó, hãy thăm khám để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân và cách can thiệp phù hợp.
Huyền My
(Theo Times of India, Verywell Family)