BS.CKII Vũ Nhật Khang, Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh TP HCM cho biết, buồng trứng là cơ quan sinh sản quan trọng của phụ nữ, có vai trò sản xuất ra estrogen và progesterone. Những hormone này giúp phát triển ngực ở tuổi dậy thì, điều hoà chu kỳ kinh nguyệt và hỗ trợ mang thai. Tuy nhiên, đây cũng là bộ phận dễ mắc các bệnh lý ảnh hưởng chức năng sinh sản.
Buồng trứng đa nang
Theo bác sĩ Vũ Nhật Khang, buồng trứng đa nang (PCOS) là bệnh lý phụ khoa liên quan đến sự mất cân bằng nội tiết tố, không chỉ giảm khả năng sinh sản mà còn làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nghiêm trọng khác. Bệnh gây nhiều tác động lên buồng trứng khiến chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn, tăng nồng độ nội tiết tố nam, dẫn đến hình thành nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng. Nhiều người không biết mình mắc bệnh nên không điều trị sớm dẫn đến nhiều biến chứng, trong đó có vô sinh.
Suy buồng trứng
Suy buồng trứng là hiện tượng buồng trứng không thể thực hiện được chức năng sản sinh và nuôi dưỡng trứng để duy trì hoạt động sinh sản ở nữ giới. Bệnh làm cho các hormone sinh dục của nữ giới không thể duy trì và tái tạo kịp thời để cân bằng nội tiết tố trong cơ thể nữ giới. Đối với phụ nữ bị suy buồng trứng, kinh nguyệt không đều và giảm khả năng sinh sản bắt đầu trước tuổi 40. Đôi khi có thể bắt đầu ngay từ tuổi thiếu niên.
Nguyên nhân gây suy buồng trứng thường do: Các khuyết tật nhiễm sắc thể như hội chứng Turner, độc tố (hóa, xạ trị), bệnh tự miễn dịch. Ngoài ra, các yếu tố khác như tuổi, di truyền, can thiệp phẫu thuật lên buồng trứng, nạo phá thai, sử dụng chất kích thích...
Theo bác sĩ Vũ Nhật Khang, đối với phụ nữ bị suy buồng trứng, hiện nay chưa có phương pháp can thiệp tăng dự trữ buồng trứng. Tuy nhiên, tùy mức độ suy buồng trứng và chỉ số AMH còn lại là bao nhiêu mà các bác sĩ vẫn có thể tiến hành các phương pháp hỗ trợ sinh sản khác nhau.
U nang buồng trứng
U nang buồng trứng là một trong những bệnh lý phụ khoa thường gặp ở phụ nữ, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ bé gái đến tuổi mãn kinh, từ người bình thường đến phụ nữ mang thai đều có thể bị u buồng trứng. Dựa vào cấu tạo và tính chất của từng khối u, u nang buồng trứng phải được chia thành: u nang cơ năng và u nang thực thể.
Phụ nữ có u nang buồng trứng có nguy cơ tổn thương trực tiếp cho buồng trứng. Khối u phát triển to, chèn ép vào tử cung, cản trở quá trình trứng và tinh trùng gặp nhau tạo thành hợp tử.
"U nang buồng trứng gây biến chứng vô sinh, ung thư nếu không can thiệp, điều trị sớm", bác sĩ Nhật Khang khuyến cáo.
Viêm buồng trứng
Viêm buồng trứng là một bệnh lý phụ khoa ít gặp, tuy nhiên bệnh có tác động nặng tới buồng trứng, ống dẫn trứng. Tác nhân phổ biến gây ra tình trạng viêm thường do vi khuẩn, thường gặp nhất là hai vi khuẩn Chlamydia trachomatis và Neisseria – tác nhân gây bệnh lậu. Một trong những dấu hiệu viêm buồng trứng điển hình là đau do co thắt với mức độ từ nhẹ đến nặng ở vùng bụng dưới.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến những biến chứng như dính buồng trứng, tắc vòi trứng, từ đó làm tăng khả năng vô sinh. Ngoài ra, bệnh có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan trong khung chậu, bao gồm tử cung, nội mạc tử cung, phúc mạc.
Viêm tắc vòi trứng
Vòi trứng là con đường dẫn tinh trùng của nam giới đến gặp được trứng và tiến hành thụ tinh. Nếu vòi trứng bị viêm nhiễm, ứ dịch, hình thành mô sẹo... gây tắc nghẽn sẽ tác động nặng nề tới khả năng mang thai của nữ giới. Đặc biệt, trứng không thể di chuyển về tử cung làm tổ, từ đó dẫn đến tình trạng mang thai ngoài tử cung hoặc vô sinh.
Tuệ Diễm