Tiền tiểu đường là tình trạng lượng đường trong máu cao hơn bình thường, nhưng chưa đủ cao để được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường type 2. Tiền tiểu đường có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống lành mạnh, bỏ một số thói quen xấu dưới đây.
Ăn quá nhiều
Ăn quá nhiều, nhất là thực phẩm nhiều đường, carbohydrate (carb) đã qua chế biến, chất béo chuyển hóa dễ làm tăng nhanh lượng đường trong máu. Trong quá trình tiêu hóa, thức ăn phân thủy thành glucose đi vào máu. Loại đường đơn này là nhiên liệu vận hành các tế bào và cơ quan trong cơ thể. Insulin được sản xuất ở tuyến tụy, giúp vận chuyển glucose đến các tế bào. Nếu tuyến tụy không sản xuất đủ insulin để cung cấp glucose cho tế bào, glucose tích tụ nhiều trong máu dẫn đến tiền tiểu đường, tiểu đường type 2.
Khi ăn cơ thể sử dụng một phần calo để tạo năng lượng. Phần còn lại được lưu trữ dưới dạng chất béo. Tiêu thụ nhiều calo hơn mức cơ thể đốt cháy có thể dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường.
Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp vận động 20-30 phút mỗi ngày giúp kiểm soát cân nặng. Thực phẩm giàu protein và chất xơ như rau xanh, cá, thịt gà, trứng, đậu... có thể kiểm soát lượng đường khỏe mạnh trong máu, hạn chế cảm giác đói.
Ăn nhiều thịt đỏ
Thịt đỏ gồm lợn, bò, cừu, dê cung cấp chất béo bão hòa, cholesterol, protein động vật dễ dẫn đến tăng cân, làm tăng nguy cơ mắc tiền tiểu đường nếu tiêu thụ quá nhiều.
Chất béo bão hòa có nhiều trong thịt đỏ có thể làm giảm độ nhạy insulin và hoạt động của các tế bào beta trong tuyến tụy, khiến cơ thể khó kiểm soát lượng đường trong máu. Chất sắt heme trong thịt đỏ gây ra tình trạng căng thẳng oxy hóa, viêm nhiễm, tăng nguy cơ kháng insulin.
Thịt đỏ đã qua chế biến như xúc xích, thịt xông khói, thịt nguội, thịt đóng hộp chứa nhiều chất bảo quản, phụ gia trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng không tốt cho tuyến tụy, cơ quan điều tiết insulin.
Người lớn nên giảm lượng thịt đỏ nạp vào cơ thể hoặc thay thế bằng các nguồn protein nạc như cá, thịt gia cầm, protein từ thực vật góp phần phòng ngừa béo phì, tiền tiểu đường, tiểu đường type 2.
Uống quá nhiều nước ép trái cây
Trái cây, nước ép trái cây, sinh tố đều chứa một loại đường tự nhiên gọi là fructose. Fructose từ trái cây không làm tăng lượng đường bổ sung, nhưng nước ép trái cây và sinh tố thì có. Đường bổ sung tiềm ẩn lượng calo rỗng, dễ tăng cân và các vấn đề sức khỏe khác.
Trái cây chứa chất xơ, vitamin và khoáng chất tốt cho sức khỏe tổng thể. Chất xơ làm chậm tốc độ hấp thụ fructose vào máu, có thể kéo dài thời gian no. Ngược lại, nước ép trái cây và sinh tố loại bỏ hầu hết chất xơ và các dinh dưỡng khác trong trái cây.
Khi uống một lượng lớn nước trái cây trong thời gian, cơ thể nạp nhiều calo, carb và đường khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Tình trạng này còn khiến gan quá tải, dẫn đến các vấn đề như bệnh gan nhiễm mỡ, tiền tiểu đường, tiểu đường type 2.
Ngồi quá nhiều
Tập thể dục giúp cơ thể lưu thông máu tốt hơn, tăng cường sức đề kháng, cải thiện đường huyết, giảm nguy cơ mắc tiền tiểu đường và tiểu đường. Trong khi đó, ngồi nhiều quá nhiều và không hoạt động thể chất dễ béo phì, kháng insulin, tăng khả năng phát triển tiền tiểu đường. Người làm việc văn phòng, ngồi nhiều nên thường xuyên đứng lên, đi lại.
Anh Chi (Theo Livestrong, Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tiểu đường tại đây để bác sĩ giải đáp |