Khi trải qua áp lực hoặc thử thách, cơ thể sẽ tạo ra những phản ứng cả về thể chất và tinh thần. Những phản ứng này có thể gồm từ đau nhức đến lo lắng và bồn chồn, tức giận, thất vọng, sợ hãi... ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống, đôi khi khiến bạn đối mặt với những mối nguy hiểm. Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra các hormone thúc đẩy phản ứng chiến đấu hoặc trốn tránh, ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch.
Căng thẳng cũng có thể gây ra một số triệu chứng thể chất như: nhức đầu, buồn nôn, khó tiêu hoặc các vấn đề tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, tiêu chảy; thở nhanh, tim đập nhanh, đổ mồ hôi, chóng mặt... Các triệu chứng về tâm thần và hành vi cũng có thể xảy ra khi căng thẳng như: trở nên giàu cảm xúc hơn; cảm thấy choáng ngợp; gặp vấn đề về trí nhớ; khó khăn trong việc giải quyết vấn đề, ra quyết định, tập trung, hoàn thành công việc; sử dụng thuốc, thực phẩm, rượu để đối phó với căng thẳng.
Dưới đây là 4 mẹo giúp bạn quản lý căng thẳng một cách hiệu quả.
Tập thở
Thở bằng bụng giúp giảm căng thẳng và gửi thông điệp đến não để thư giãn. Thở bụng sâu còn làm giảm căng cơ và giảm đau. Hãy ngồi hoặc nằm thẳng, sau đó đặt một tay lên bụng dưới xương sườn và tay kia lên ngực. Hít một hơi thật sâu bằng mũi và để bụng đẩy tay ra, tay trên ngực không di chuyển. Thở ra qua môi mím lại như đang huýt sáo. Bạn sẽ cảm thấy bàn tay trên bụng đi vào và bụng đẩy tất cả không khí ra ngoài. Thực hiện động tác thở này từ 3-10 lần.
Thở lăn hỗ trợ việc phát triển toàn bộ khả năng sử dụng phổi và giúp bạn tập trung vào nhịp thở của mình. Bạn đặt tay trái lên bụng và tay phải lên ngực. Sau đó, làm đầy phổi dưới bằng cách thở sao cho bàn tay đặt trên bụng nâng lên khi bạn hít vào và bàn tay đặt trên ngực giữ yên. Luôn hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng. Thực hành 8-10 lần mỗi hiệp. Khi bạn thở ra, cảm nhận sự căng thẳng đang rời khỏi cơ thể và thấy thư giãn hơn.
Tập thở vào buổi sáng giúp giảm căng cơ và thông mũi, giảm căng thẳng. Bắt đầu từ tư thế đứng, gập người về phía trước từ thắt lưng với đầu gối hơi cong, để hai cánh tay buông thõng gần sàn. Hít vào từ từ và sâu, trở lại tư thế đứng bằng cách nâng người lên từ từ, ngẩng đầu lên sau cùng. Nín thở chỉ trong vài giây ở tư thế đứng này. Thở ra từ từ khi trở lại vị trí ban đầu, rồi uốn cong về phía trước từ thắt lưng.
Yoga
Yoga là một phương pháp luyện tập cổ xưa gồm các tư thế thực hành, hít thở sâu và thiền định đã được biết đến giúp giảm căng thẳng và có nhiều lợi ích sức khỏe.
Hormone căng thẳng cortisol dao động suốt cả ngày. Khi căng thẳng, mức cortisol cơ bản tăng lên gây viêm và căng thẳng mạn tính. Theo nghiên cứu của Trường Y tế Harvard (Mỹ), luyện tập yoga đều đặn có thể làm chậm tác động căng thẳng và viêm nhiễm của hormone cortisol.
Trị liệu bằng hương thơm
Theo nghiên cứu của Đại học Quốc gia Kangwon (Hàn Quốc), khi hít một số mùi hương, tinh dầu nhất định, các phân tử sẽ di chuyển từ dây thần kinh khứu giác đến não và ảnh hưởng đến hạch hạnh nhân, trung tâm cảm xúc của não. Liệu pháp mùi hương có thể thay đổi sóng não và hành vi, giúp bạn thư giãn và dễ ngủ hơn.
Nghiên cứu khác của Khoa Điều dưỡng Đại học Hacettepe (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng chỉ ra, liệu pháp xoa bóp bằng dầu thơm kết hợp với hít hương tinh dầu giúp giảm các triệu chứng của căng thẳng như đau đầu, mệt mỏi và làm dễ chịu, dễ ngủ hơn.
Bạn có thể dùng nến thơm, massage, máy xông tinh dầu và đắp mặt nạ thấm dầu thơm... với tinh dầu hoa oải hương, xả, dầu tràm, bạc hà... để làm dịu sự căng thẳng. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng tinh dầu như ngứa, phát ban... Hãy thử lượng nhỏ trên da trước khi sử dụng xoa bóp.
Trị liệu nghệ thuật
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Trị liệu Nghệ thuật Mỹ, tham gia sáng tạo nghệ thuật là một hình thức trị liệu giúp giảm căng thẳng. Cụ thể, 75% người (tổng 39 người) trưởng thành tham gia vào 45 phút sáng tạo nghệ thuật (học vẽ, nghe nhạc và học đàn...) đã giảm đáng kể mức hormone căng thẳng cortisol. Người tham gia cho biết, họ cảm thấy rất thư giãn, thú vị và hữu ích trong việc tìm hiểu những khía cạnh mới của bản thân, thoát khỏi những ràng buộc, áp lực trong công việc.
Nhìn chung, 4 kỹ thuật trên có tác dụng tốt trong quản lý căng thẳng nhưng nếu bạn nhận thấy sự căng thẳng đã trở thành chứng rối loạn lo âu, tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ.
Mai Cat
(Theo Very Well Health)