Sổ mũi, nghẹt mũi, chảy dịch mũi sau, hắt hơi... là những triệu chứng của bệnh viêm xoang. Dưới đây là 4 loại thực phẩm mà người bệnh viêm xoang nên hạn chế để giúp kiểm soát triệu chứng, tránh bệnh trầm trọng hơn.
Sản phẩm từ sữa
Một số nghiên cứu cho thấy các sản phẩm từ sữa có liên quan đến việc thúc đẩy quá trình sản xuất chất nhầy và đờm ở mũi họng. Nghiên cứu năm 2019 của Bệnh viện Lister và Đại học Hertfordshire (Anh) chia 110 người tham gia chia thành hai nhóm dùng sữa hoặc không dùng sữa. Những người không dùng sữa giảm đáng kể việc tiết chất nhầy ở mũi so với nhóm còn lại.
Một nghiên cứu trước đó vào năm 2011 của Đại học Y khoa Vienna (Áo) cho thấy, phản ứng dị ứng với sữa có thể làm tăng sản xuất polyp mũi. Polyp mũi là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm bệnh viêm xoang. Nghiên cứu năm 2016 của Đại học Khoa học và Công nghệ Jordan (Jordan) nhận thấy, tỷ lệ mắc bệnh viêm xoang mạn tính gia tăng ở những người bị dị ứng sữa.
Nếu người bệnh viêm xoang nghi ngờ rằng sữa có thể làm trầm trọng thêm căn bệnh này thì cần tránh và xem các triệu chứng có thuyên giảm hay không. Người bệnh có thể trao đổi thêm với bác sĩ. Trường hợp, người bệnh viêm xoang không dị ứng hoặc nhạy cảm với sữa thì không cần phải loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn uống.
Thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế
Thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế như soda, kẹo, bánh ngọt... có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm ở người bệnh xoang và tăng viêm ở trẻ em có triệu chứng xoang. Việc giảm tiêu thụ đường bổ sung có thể giúp cải thiện triệu chứng và chất lượng cuộc sống ở nhóm đối tượng này. Theo nhóm nghiên cứu của Đại học California Los Angeles, người lớn mắc bệnh viêm xoang cũng nên tránh sử dụng đường tinh luyện để giảm các triệu chứng.
Hầu hết các bác sĩ đều đồng ý rằng ăn ít đường tinh chế hơn có lợi cho sức khỏe của người bệnh. Vì vậy, người bệnh nên hạn chế thực phẩm chứa nhiều đường. Dù có thể việc cắt giảm lượng đường không làm thuyên giảm bệnh viêm xoang nhưng nó cũng tốt cho sức khỏe tổng thể.
Thực phẩm chứa nhiều histamin
Các tế bào bạch cầu của cơ thể tạo ra histamine giúp chống lại các chất gây dị ứng tiềm ẩn. Histamine cũng được tìm thấy trong một số loại thực phẩm. Những người không dung nạp histamine có thể phân hủy nó kém hiệu quả hơn, dẫn đến sự tích tụ trong cơ thể. Sự tích tụ này có thể dẫn đến những triệu chứng liên quan đến viêm xoang như hắt hơi, nghẹt mũi, chảy nước mũi và khó thở. Do đó, nếu bạn không dung nạp histamine, ăn thực phẩm chứa nhiều histamine có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng.
Thực phẩm chứa nhiều histamine gồm xúc xích, giăm bông; cá hộp bảo quản; thực chẩm lên men chẳng hạn dưa cải bắp, kim chi, sữa chua, giấm... Một số loại rau và trái cây khô như cà chua, bơ và cà tím, nho khô, mơ khô, chocolate, đồ uống lên men như kombucha và rượu cũng có chứa histamine. Nếu người bệnh nghi ngờ bản thân không dung nạp histamine thì nên thăm khám bác sĩ. Bác sĩ có thể hướng dẫn bạn tránh tình trạng này mà vẫn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng.
Thực phẩm chứa nhiều axit salicylat
Axit salicylat là hợp chất có lợi được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như các loại đậu, rau súp lơ, dâu tây, dưa hấu, mận và quả mâm xôi, yến mạch.... Một số loại thảo mộc và gia vị như hương thảo, húng tây, ớt bột và nghệ cũng có chứa salicylat.
Tuy nhiên, một số người có thể nhạy cảm với các hợp chất tự nhiên này. Nếu bạn quá mẫn cảm với salicylat, bạn có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn, chẳng hạn như polyp mũi, nghẹt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, khó thở. Những triệu chứng này có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Ăn nhiều thực phẩm salicylate và các triệu chứng viêm xoang trầm trọng hơn ở những người bị viêm xoang mạn tính có polyp mũi. Một nghiên cứu của Đại học Khoa học Y tế Shiraz (Iran) năm 2017 trên 120 người cho thấy, những người bị polyp mũi có nhiều khả năng không dung nạp salicylate hơn. Chế độ ăn không có salicylate có thể giảm các triệu chứng viêm xoang theo các nghiên cứu của Đại học Khoa học Đời sống Warsaw (Ba Lan), Đại học Toronto (Canada)...
Trường hợp người bệnh nhạy cảm với salicylate thì nên chia sẻ với bác sĩ để được hướng dẫn chế độ ăn hạn chế hợp chất này.
Kim Uyên (Theo Healthline)