Lượng đường trong máu cao xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng insulin đúng cách. Các triệu chứng điển hình của tăng đường huyết có thể kể đến như tăng cảm giác khát, mắt mờ, mệt mỏi, đi tiểu thường xuyên... Khi nhận thấy cơ thể thường xuyên có các triệu chứng của đường huyết tăng cao, người bệnh có thể thực hành 4 cách dưới đây để góp phần giữ cho lượng đường trong máu cân bằng.
Xác định nguyên nhân: Đối với bất cứ căn bệnh nào, nếu tìm được nguyên nhân thì kết quả điều trị sẽ khả quan hơn. Tăng đường huyết xảy ra do nhiều yếu tố như thực phẩm, căng thẳng, bệnh lý khác, cảm lạnh... Việc xác định nguyên nhân và mức độ tăng cao của lượng đường trong máu giúp việc điều trị dễ dàng hơn.
Ví dụ, bạn vừa uống một cốc nước cam và đường huyết tăng ngay sau đó. Trong trường hợp này, thực phẩm là nguyên nhân gây ra tình trạng tăng đường huyết. Bằng phương pháp ghi lại nhật ký và loại trừ, bạn có thể thay đổi kế hoạch ăn uống để ổn định đường huyết trong tương lai.
Kiểm tra liên tục: Xét nghiệm là cách hiệu quả giúp quản lý bệnh tiểu đường. Theo MedlinePlus, người bệnh có thể kiểm tra đường huyết nhiều lần trong ngày, vào nhiều thời điểm để xác định mức độ tăng đường huyết. Người bệnh có thể kiểm tra trước và sau bữa ăn, trước khi đi ngủ, nửa đêm hoặc trước, trong và sau khi tập thể dục. Kiểm tra vào những thời điểm khác nhau giúp bạn biết thuốc đang sử dụng có hiệu quả ra sao, loại thực thực phẩm nào ảnh hưởng đến lượng đường.
Ghi lại các chỉ số: Một trong những cách giúp xác định nguyên nhân tăng đường huyết là ghi các chỉ số đường huyết. Người bệnh nên ghi lại các chỉ số vào thời điểm đường huyết đang tăng, vừa tăng, sau khi tăng 2 giờ, 4 giờ và nhiều thời điểm khác nhau trong ngày nhất nếu có thể. Bác sĩ sẽ giúp bạn đọc kết quả, ghi chú lại một số phương pháp điều chỉnh dựa trên chỉ số và nhật ký ăn uống, sinh hoạt. Một số phương pháp điều chỉnh bạn có thể thực hiện như hạn chế carbohydrate, tập thể dục, giảm cân...
Dành thời gian thư giãn: Căng thẳng là nguyên nhân gây ra lượng đường trong máu cao, làm trầm trọng thêm mức độ tăng đường huyết. Giảm thiểu căng thẳng được xem là mục tiêu người mắc đường huyết cao cần thực hiện. Người bị đường huyết cao có thể quản lý căng thẳng bằng cách ăn ít, uống thuốc đúng giờ, ngủ đủ giấc, thường xuyên vận động, đọc sách, tập các bài tập như thiền, yoga...
Một số cách có thể giúp ổn định đường huyết, bao gồm ăn nhiều chất xơ, thực phẩm giàu crom và magiê, chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp, tập thể dục, kiểm soát khẩu phần ăn, giảm lượng tinh bột nạp vào cơ thể.
Hà Phượng (Theo Health)