Trẻ bao nhiêu tuổi nên uống sữa hàng ngày?
Học viện Nhi khoa Mỹ khuyến cáo trẻ nên bú hoàn toàn sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu. Nếu người mẹ sử dụng sữa bò hoặc trẻ được nuôi bằng sữa công thức, các bé sẽ được tiếp xúc với protein trong sữa bò từ sớm.
Đa phần trẻ sơ sinh từ 6 tháng tuổi trở lên có thể bắt đầu tiêu thụ thức ăn, chất dinh dưỡng từ sữa. Lúc này, trẻ có thể ăn sữa chua Hy Lạp nguyên chất, không béo, đây là các sản phẩm làm từ sữa bò. Trẻ sơ sinh và đang tập đi không nên ăn sữa chua có đường.
Khi em bé có thể ăn dặm, nhai thức ăn, gia đình có thể thêm các loại thực phẩm từ sữa khác, ví dụ phô mai. Bố mẹ không nên cho trẻ dùng sữa bò nguyên kem và sữa công thức ít chất sắt trước một tuổi, do hệ tiêu hóa của trẻ không dung nạp được protein từ sữa bò. Sữa công thức ít chất sắt còn có thể khiến trẻ bị thiếu máu.
Nên làm gì nếu con bị dị ứng sữa bò?
Bạn nên hỏi bác sĩ nhi khoa về việc thay thế loại sữa công thức không có nguồn gốc từ bò. Sữa này không gây dị ứng.
Nếu em bé được chẩn đoán dị ứng đạm sữa bò, người mẹ có thể được khuyến khích kiêng uống sữa bò. Song, theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nhi khoa Mỹ, không có đủ bằng chứng cho thấy các bà mẹ đang cho con bú cần tránh các thực phẩm gây dị ứng.
Khi bé tròn một tuổi, có thể sử dụng các sản phẩm thay thế sữa bò hoặc đổi sang sữa chuyên biệt cho trẻ mới biết đi. Nhiều trẻ sơ sinh bị viêm đại tràng dị ứng do đạm sữa bò, có thể bắt đầu dùng sữa bò an toàn khi được một tuổi hoặc lớn hơn.
Chọn loại nào thay thế cho sữa bò?
Trẻ có thể sử dụng hạt để thay thế cho sữa bò, ví dụ sữa hạnh nhân, hạt điều, gạo, yến mạch. Một số loại sữa thường được thêm hương vị, ví dụ chocolate hoặc vani, thêm đường; trẻ dưới 2 tuổi không nên uống các sản phẩm này.
Các sản phẩm thay thế sữa bò thường chứa ít protein và calo hơn sữa bò, cung ứng lượng vitamin D và canxi tương đương. Gia đình nên kiểm tra nhãn dinh dưỡng của sản phẩm đề nắm được hàm lượng protein và vitamin cụ thể.
Hoặc gia đình có thể tham khảo bảng dưới đây để cân nhắc loại sữa phù hợp (đơn vị: cốc):
Sữa nguyên chất | Sữa gạo | Sữa đậu nành | Sữa dừa | Sữa hạnh nhân | Sữa dê | Sữa đậu | |
Năng lượng (kcal) | 149 | 115 | 105 | 76 | 37 | 130 | 80 |
Protein (g) | 7,69 | 0,68 | 6,34 | 0,51 | 1,44 | 4 | 8 |
Fat (g) | 7,39 | 2,37 | 3,59 | 5,08 | 2,68 | 2,5 | 4,5 |
Chất béo bão hòa (g) | 4,55 | 0 | 0,5 | 5,083 | 0 | 0 | 0,5 |
Cholesterol (mg) | 24 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 | 0 |
Carbonhydrate (g) | 11,71 | 22,37 | 12 | 7,12 | 1,42 | 24 | <1 |
Canxi (mg) | 276 | 288 | 300 | 459 | 481 | 350 | 440 |
Sắt (mg) | 0,007 | 0,49 | 1,02 | 0,73 | 0,85 | 1,8 | 0 |
Vitamin D (IU) | 128 | 96 | 108 | 96 | 96 | 100 | 110 |
Trẻ nên uống bao nhiêu sữa?
Chế độ ăn của trẻ sơ sinh đa phần là sữa, để đáp ứng nhu cầu calo và dinh dưỡng của cơ thể. Ngoài ra, sữa còn cung cấp đủ chất béo cần thiết cho sự phát triển của não và mắt.
Khi một tuổi, trẻ nên tiêu thụ khoảng 400 – 700 ml sữa nguyên chất, tương đương khoảng 2 khẩu phần một ngày. Từ 2-3 tuổi, trẻ nên ăn 2,5 khẩu phần sữa, nên sử dụng sữa nguyên kem, khi trẻ hơn 2 tuổi có thể chuyển sang sữa ít béo hơn.
Trẻ em nên uống sữa giảm độ béo trong vài tuần trước khi chuyển sang dùng sữa ít béo hoặc không béo. Nếu trẻ không thể uống sữa bò, có thể thay thế bằng cách ăn sữa chua và phô mai, bổ sung vitamin D nếu cần thiết.
Chi Lê (Theo American Academy of Pediatrics)