Parkinson là bệnh thoái hóa tiến triển của hệ thần kinh trung ương, diễn tiến nặng dần theo thời gian. Bệnh xảy ra ở người cao tuổi hoặc tổn thương làm mất tế bào não, dẫn tới thiếu hụt chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Dopamine do tế bào não tạo ra, có tác dụng hỗ trợ chức năng vận động, trí nhớ, tâm trạng, học tập và nhận thức.
Triệu chứng thường gặp của bệnh Parkinson gồm run một bên cơ thể lúc nghỉ, cử động chậm, mặt đơ không biểu hiện cảm xúc, cứng cơ tay chân, đi đứng khó khăn, mất thăng bằng, dễ ngã... Người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có nguy cơ bị tàn phế, trầm cảm, mất ngủ, suy kiệt, sa sút trí tuệ, nhiễm trùng phổi...
BS.CKI Nguyễn Phương Trang, Trưởng Đơn vị Kích thích từ trường xuyên sọ, Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết hiện chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bệnh Parkinson. Mục tiêu điều trị nhằm cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa bệnh tiến triển và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.
Dùng thuốc
Tùy triệu chứng và mức độ nặng của bệnh, cùng các yếu tố kèm theo như tuổi, thể trạng và bệnh nền, bác sĩ có thể chỉ định một hoặc kết hợp nhiều loại thuốc phù hợp. Theo bác sĩ Trang, đây là biện pháp được ưu tiên chỉ định đầu tiên khi mới phát hiện bệnh. Để giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của thuốc điều trị Parkinson, người bệnh nên dùng thuốc đúng liều và không tự ý dùng thêm các loại thuốc khác hoặc thực phẩm chức năng khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
Kích thích từ trường xuyên sọ
Máy kích thích từ trường xuyên sọ giúp tạo ra xung từ trường ngắn hạn nhưng đủ mạnh, có khả năng tác động và điều chỉnh chức năng của vùng não vận động M1, kích thích tế bào não tăng tiết dopamine và các chất dẫn truyền thần kinh khác như GABA, serotonin... Phương pháp này hỗ trợ người bệnh cải thiện chức năng vận động, giảm đau, bớt căng thẳng, nâng cao chất lượng giấc ngủ, góp phần làm chậm quá trình thoái hóa chức năng thần kinh. Đồng thời, người bệnh có thể giảm phụ thuộc vào thuốc, tránh tác dụng phụ của thuốc và rủi ro phẫu thuật.

Người bệnh Parkinson được điều trị bằng kỹ thuật kích thích từ trường xuyên sọ. Ảnh: Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7
Hiệu quả điều trị bệnh Parkinson bằng kích thích từ trường xuyên sọ có thể duy trì trong nhiều tháng, kể cả sau khi người bệnh đã ngừng liệu trình. Tuy nhiên, người bệnh nên duy trì khám định kỳ với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh. Trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định liệu trình kích thích từ trường xuyên sọ bổ sung để gia tăng hiệu quả.
Phẫu thuật
Nếu người bệnh Parkinson nặng, kháng thuốc điều trị run hoặc gặp các tác dụng phụ nghiêm trọng, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật để hủy đồi thị (nằm giữa vỏ đại não và trung não) hoặc lắp đặt điện cực kích thích não sâu cho người bệnh.
Tập phục hồi chức năng
Dựa trên triệu chứng lâm sàng của người bệnh và mức độ nặng của triệu chứng Parkinson, bác sĩ có thể chỉ định các bài tập phục hồi chức năng phù hợp như đi bộ bước dài, hít thở sâu, chống đẩy, đứng lên ngồi xuống, nâng gót chân... Người bệnh có thể kết hợp với các liệu pháp như yoga, thiền, massage, tập dưỡng sinh... Tác dụng hỗ trợ vận động, giảm căng thẳng, kích thích tế bào não tăng tiết dopamine có thể cải thiện triệu chứng và giảm tốc độ tiến triển của bệnh Parkinson.
Bác sĩ Trang khuyến cáo người bệnh Parkinson hoặc có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh nên khám và điều trị kịp thời tại chuyên khoa Thần kinh, tránh để lâu khiến tình trạng tăng nặng, biến chứng nguy hiểm. Thường xuyên tắm nắng buổi sáng hoặc bổ sung thực phẩm giàu vitamin D vào chế độ ăn hàng ngày giúp tăng sức đề kháng, tốt cho hệ thần kinh, giảm nguy cơ loãng xương. Ăn nhiều trái cây tươi, rau củ quả nhiều màu sắc để bổ sung chất xơ, vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa, giảm nguy cơ táo bón, cùng nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể.
Người bệnh nên sinh hoạt, vận động phù hợp, vừa sức, tránh căng thẳng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa té ngã hoặc tai nạn thương tích. Hạn chế hoặc không tiếp xúc với hóa chất độc hại, môi trường ô nhiễm.
Trường Giang
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh thần kinh tại đây để bác sĩ giải đáp |