BS. CKI Trần Đông Hải, khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết, bệnh tiểu đường không thể chữa khỏi hoàn toàn, trong đó có tiểu đường type 1. Thế nhưng, người bệnh tuân thủ tái khám, phát hiện sớm những rủi ro biến chứng giúp hạn chế, thậm chí tránh những biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.
Người bệnh tiểu đường type 1 có lượng đường trong máu cao mà không được kiểm soát gây biến chứng có hại cho tim, mắt, bàn chân, suy thận, mạch máu, thần kinh, nhiễm trùng, đột quỵ, nhiễm ceton máu. Trong đó, biến chứng cấp tính do nhiễm ceton máu nguy hiểm đến tính mạng nếu không phát hiện kịp thời...
Tiểu đường type 1 được chia làm 2 giai đoạn biến chứng gồm biến chứng cấp tính (xảy ra trong thời gian ngắn) và biến chứng mạn tính.
Biến chứng cấp tính
Hạ đường huyết: Mức đường huyết bình thường của cơ thể trước khi ăn dao động 90-130mg/dL, giữa bữa ăn 70-100 mg/dL, sau khi ăn 1-2 giờ phải dưới 180 mg/dL. Nếu lượng đường trong máu của cơ thể giảm xuống dưới 70 (mg/dL) hoặc 3,9 mmol/L là hạ đường huyết. Nguyên nhân của hạ đường huyết là dùng insulin hoặc thuốc giải phóng insulin (sulfonylureas, meglitinides, nargetlinide). Bệnh nhân bỏ bữa hoặc ăn quá ít, uống rượu bia, uống thuốc quá liều hoặc không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức... cũng khiến lượng đường trong máu xuống thấp.
Hạ đường huyết xảy ra với một số triệu chứng như: tim đập nhanh, cảm thấy đói, đổ nhiều mồ hôi, hồi hộp, đau đầu, nói chuyện lắp bắp, buồn nôn, choáng, mắt mờ, không có khả năng tập trung, mất ý thức, co giật... Hạ đường huyết xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, gây hôn mê, thậm chí tử vong nếu không cấp cứu kịp.

Đau đầu, choáng váng là những triệu chứng thường gặp khi hạ đường huyết. Ảnh: Freepik
Nhiễm toan ceton do tiểu đường: Theo bác sĩ Hải, nhiễm toan ceton do tiểu đường xảy ra khi lượng axit tồn dư trong máu quá cao, trong khi, insulin trong cơ thể quá thấp làm cho glucose (đường) trong máu không thể đi vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Khi đó, gan tạo ra một lượng đường trong máu rất lớn, gây nhiễm toan ceton. Người mắc bệnh tiểu đường type 1 dễ bị toan ceton khi nhiễm trùng, chấn thương, tiêm không đủ liều insulin hoặc căng thẳng khi phẫu thuật.
Các triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton gồm không thể tập trung, thở nhanh và sâu, cảm thấy khát, da khô, mặt đỏ, đi tiểu thường xuyên, đau đầu, đau bụng, buồn nôn, hơi thở có mùi trái cây (do mùi ceton được giải phóng khỏi cơ thể)... Nếu người bệnh không được điều trị hoặc điều trị không phù hợp có những biến chứng nặng như phù não, suy thận, ngừng tim, tử vong.
Biến chứng mạn tính
Thường xuất hiện sau 5 năm, đôi khi, biến chứng xuất hiện sớm nếu kiểm soát đường huyết kém.
Biến chứng mạch máu nhỏ: Khi lượng đường trong máu không được kiểm soát, máu sẽ không thể lưu thông tốt, gây tổn thương đến các mạch máu. Vì vậy, người bệnh tiểu đường type 1 sẽ gặp những biến chứng mạch máu nhỏ, ảnh hưởng đến mắt, thận, thần kinh.
Biến chứng như đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc gây mất thị lực ở mắt; suy thận. Các mạch máu nhỏ có nhiệm vụ vận chuyển máu nuôi các dây thần kinh. Nếu các mạch máu bị tổn thương thì các dây thần kinh cũng sẽ ảnh hưởng. Bệnh thần kinh ngoại biên ảnh hưởng đến các dây thần kinh ở bàn chân, khiến cho người bệnh mất cảm giác đau đớn dưới bàn chân khi vết thương bị nhiễm trùng.
Biến chứng mạch máu lớn: Biến chứng này cũng rất nguy hiểm dẫn đến một số bệnh dễ mắc như thiếu máu não thoáng qua và đột quỵ, bệnh động mạch ngoại biên, xơ vữa động mạch vành. Xơ vữa động mạch vành khiến thiếu máu cơ tim và có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim khi động mạch vành bị tắc.
Dù các biến chứng của tiểu đường type 1 nguy hiểm, nhưng theo bác sĩ Hải, người bệnh có thể ngăn ngừa bằng nhiều cách như khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ điều trị. Cải thiện chế độ ăn uống với nhiều rau xanh, ít tinh bột, thức ăn nhanh... giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ổn định huyết áp, tránh tăng mỡ máu xấu. Người bị tiểu đường type 1 cần có chế độ ăn uống khoa học, khắt khe hơn người bị bệnh tiểu đường type 2 do hệ miễn dịch trong cơ thể suy yếu.
Người bệnh nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, có thể đi bộ nhanh, chạy bộ, chơi cầu lông, đánh tennis... Bác sĩ Nội tiết - Đái tháo đường có thể cho người bệnh sử dụng insulin để giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa các biến chứng của tiểu đường.
Mai Hoa