Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Đức Tuấn, khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vitamin D hỗ trợ cơ thể hấp thụ canxi, phosphate từ thực phẩm giúp xương chắc khỏe. Loại vitamin này còn góp phần tăng cường hệ miễn dịch, nếu thiếu hụt có thể gây ra nhiều bệnh khác nhau.
Còi xương, nhuyễn xương
Trẻ bú mẹ trong 6 tháng đầu tiên có nguy cơ thiếu vitamin D vì hàm lượng vitamin này trong sữa mẹ thấp. Bé bú trung bình 750 ml sữa mẹ mỗi ngày, chỉ hấp thụ 10-40 IU vitamin D.
Theo thạc sĩ Tuấn, trẻ không nhận đủ vitamin D hoặc canxi có thể còi xương. Trẻ sinh non có ít thời gian tích lũy vitamin D từ mẹ khi chuyển giao qua nhau thai. Bé sinh non nhiều khả năng bị khiếm khuyết men răng ở răng sữa, răng vĩnh viễn.
Các bé có lượng vitamin D thấp có nguy cơ đau cơ, nhuyễn xương. Nếu trẻ có xương mềm hơn do thiếu vitamin D, xương có thể uốn cong và gây tình trạng chân vòng kiềng hoặc đầu gối khuỵu.

Trẻ hấp thụ vitamin D từ ánh sáng mặt trời. Ảnh: Freepik
Loãng xương
Mức vitamin D thấp làm giảm khả năng hấp thụ canxi, tăng nguy cơ mắc loãng xương khi lớn lên, xảy ra khi xương mới không tạo ra cùng tốc độ mất xương cũ. Dự trữ canxi trong xương thấp cũng tăng nguy cơ gãy xương.
Mắc bệnh đường hô hấp
Thiếu hụt vitamin D làm tăng khả năng nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản, viêm xoang. Trẻ em trong độ tuổi đi học uống vitamin D có nguy cơ mắc bệnh cúm thấp hơn.
Tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính
Vitamin D thúc đẩy sự biệt hóa của tế bào ruột, hấp thu canxi, phospho ở ruột. Vitamin này kích thích quá trình tái hấp thu xương, duy trì nồng độ canxi và phospho trong huyết thanh. Thiếu hoặc kháng vitamin D gây hạ canxi máu, giảm phosphate máu.
Hạ canxi máu kích thích giải phóng hormone tuyến cận giáp thông qua tác động lên xương và thận. Thiếu vitamin D có thể liên quan đến bệnh đa xơ cứng, tiểu đường type 1, viêm khớp dạng thấp, viêm ruột, rối loạn tâm trạng, ảnh hưởng đến tuyến tiền liệt, tuyến vú và ruột kết.
Ở thanh thiếu niên, nồng độ vitamin D trong huyết thanh thấp tăng nguy cơ tăng huyết áp, tăng đường huyết, hội chứng chuyển hóa, nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp trên cao.
Thạc sĩ Tuấn khuyên cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế đa chuyên khoa để thăm khám, điều trị khi có các biểu hiện thiếu vitamin D như mệt mỏi, đau cơ, rụng tóc, vết thương khó lành. Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra thể chất, thảo luận về tiền sử bệnh, chế độ ăn uống. Thông qua xét nghiệm máu, chụp X-quang hoặc quét mật độ xương, chuyên gia đưa hướng điều trị phù hợp.
Lục Bảo
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh trẻ em tại đây để được bác sĩ giải đáp.