Bà Tuyết Minh (63 tuổi) ra viện trong niềm hạnh phúc của gia đình sau một tháng rời Đồng Tháp lên TP HCM cấp cứu. Bà có tiền sử nhồi máu cơ tim, đã đặt stent mạch vành cách đây 4 năm, đồng thời có bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường. Khi chuyển đến BVĐK Tâm Anh TP HCM cuối tháng 7, bà Minh có biểu hiện mệt, nặng ngực, khó thở, phù toàn thân.
Trực tiếp thăm khám cho bà Minh, BS.CKII Võ Ngọc Cẩm, Phó khoa Hồi sức Tim mạch, Trung tâm Tim mạch nhận định, bệnh nhân bị phù phổi cấp do nhồi máu cơ tim không ST chênh lên trên nền bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh thận mạn giai đoạn 4. Bệnh nhân trải qua 2 lần nhồi máu cơ tim làm cho chức năng tim suy yếu, tiên lượng xấu, khó qua khỏi. Các kết quả thăm khám, cận lâm sàng cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp, suy tim cấp mất bù (chức năng tim chỉ còn dưới 25%), suy thận cấp trên nền bệnh thận mạn.
Kết quả chụp mạch vành cho thấy, động mạch liên thất trước hẹp đến 80%, vôi hoá nặng. Tình trạng phức tạp, điều trị nội khoa bằng thuốc sẽ khó đạt hiệu quả tối ưu nếu không can thiệp ngay.
Sau khi hội chẩn khẩn với Trung tâm Tim mạch - BS.CKII Huỳnh Ngọc Long - Phó giám đốc Trung tâm Tim mạch, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch tiến hành chụp và nong đặt stent động mạch vành cho bà Minh. Nhờ hệ thống chụp mạch máu Philips Azurion Robotic Ceiling FlexArm với cánh tay robot xoay 360 độ quanh người bệnh, bác sĩ có thể tiến hành kỹ thuật chụp mạch vành Cardiac Swing hạn chế thuốc cản quang, không làm trầm trọng hơn tình trạng suy thận, suy tim của bệnh nhân. Sau hai lần chụp tổng cộng 7-8 ml thuốc cản quang, bác sĩ thu được hình ảnh tối ưu của động mạch vành thay vì phải chụp 6-8 góc độ thông thường, lượng thuốc đưa vào cơ thể người bệnh có thể lên đến 30 ml.
Theo bác sĩ Long, trường hợp bà Minh, êkip phải tiến hành nong mạch vành nhiều lần, mỗi lần 2-3 giây nhằm tránh tình trạng huyết áp tụt không xử lý kịp. Kết quả là sau vài lần nong, mạch máu hẹp mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để đưa đoạn stent đường kính 3,5mm vào động mạch liên thất trước. Thủ thuật kết thúc thành công, mạch máu nuôi tim thông trở lại, cứu sống bệnh nhân trong gang tấc.
Sau can thiệp, bà Minh tiếp tục lọc thận song song với theo dõi điện tim ECG, siêu âm tim, đo men tim. Quá trình chăm sóc hậu phẫu tiến hành chu đáo, cẩn trọng. Vài ngày đầu sau thủ thuật bà được cung cấp dinh dưỡng bằng đường xông, sau đó ăn uống theo chế độ đặc biệt do bác sĩ Tim mạch và Dinh dưỡng thiết kế riêng. Sau khi chức năng thận ổn định, bà chuyển từ phòng ICU (hồi sức tích cực) về khu điều trị nội trú. Tại đây, trong suốt gần một tháng, bà theo dõi và điều trị tích cực để cải thiện tình trạng phù, nhiễm trùng tiểu cũng như hồi phục chức năng tim phổi. Khi mọi chỉ số ổn định, bác sĩ quyết định cho bà xuất viện sau hơn một tháng điều trị.
Điều trị đúng phác đồ, giảm di chứng cho người bệnh nhồi máu cơ tim
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi những động mạch vành đưa máu nuôi tim bị tắc nghẽn hoặc bị hẹp do sự tích tụ hoặc nứt vỡ của mảng xơ vữa. Nếu không can thiệp kịp thời, người bệnh có nguy cơ tử vong hoặc đối diện với biến chứng như suy tim, hở van tim, loạn nhịp tim, đột tử...
Theo BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, trong hội chứng động mạch vành cấp, nhồi máu cơ tim không ST chênh lên chiếm tới 70%, chỉ có 30% là nhồi máu cơ tim có ST chênh lên. Nhồi máu cơ tim không ST chênh lên thường gặp trong tổn thương nặng nhiều nhánh mạch vành, trên người cao tuổi có nhiều bệnh đồng mắc như huyết áp cao, đái tháo đường, bệnh thận mạn,... nên việc chẩn đoán, điều trị có nhiều khó khăn, tỷ lệ tử vong cao.
Mọi biện pháp điều trị cơn nhồi máu cơ tim đều nhằm mục đích khôi phục lưu lượng máu đến cơ tim càng sớm càng tốt. Tùy từng trường hợp, bác sĩ sẽ có chỉ định dùng thuốc, thông tim đặt stent hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh lưu ý, bệnh nhân vẫn có thể bị tái phát nhồi máu cơ tim dù được nong đặt stent mạch vành. Do đó, người bệnh cần tái khám đúng lịch hẹn, uống thuốc theo toa để hạn chế nguy cơ tái hẹp trong stent, suy tim tiến triển, đột tử do rối loạn nhịp. Người bệnh cũng cần điều chỉnh lối sống; ăn giảm muối, giảm chất béo có hại; bỏ thuốc lá, rượu bia; giảm căng thẳng, tập thể dục nhẹ nhàng để phòng ngừa tái hẹp mạch vành dẫn đến tái phát nhồi máu cơ tim.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi*
Hạ Vũ