Anh Trần Minh Quang (44 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TP HCM) thỉnh thoảng bị đau nhói ngực, khó thở. Vì nghĩ đây biểu hiện của chứng trào ngược dạ dày nên anh không đi khám. Khi cơn đau ngực xuất hiện thường xuyên hơn, đặc biệt đau nhiều khi hoạt động gắng sức, anh đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Trực tiếp khám cho anh Quang, PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân có tiền sử rối loạn lipid máu gia đình. Bố mất vì nhồi máu cơ tim lúc mới 42 tuổi, anh trai hẹp 50% mạch vành, em trai chưa có hiện tượng hẹp mạch vành nhưng chỉ số mỡ trong máu tăng rất cao.
Theo Phó giáo sư Vinh, bệnh rối loạn lipid máu di truyền sẽ gây xơ vữa động mạch nhanh, dẫn đến nhồi máu cơ tim sớm, có thể gây đột tử cho nhiều người trong gia đình trước 55 tuổi nếu không điều trị đúng cách. Nhiều khả năng cơn đau ngực, khó thở mà anh Quang gặp phải cách đây 3 tháng là dấu hiệu của nhồi máu cơ tim. Do đó, anh cần chụp khảo sát động mạch vành, nếu có hẹp nặng sẽ tiến hành thông tim can thiệp.
BS.CKII Huỳnh Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch BVĐK Tâm Anh TP HCM, cho biết kết quả chụp DSA mạch vành của bệnh nhân cho thấy động mạch vành phải tắc hoàn toàn, động mạch liên thất trước hẹp rất nặng trên 90-95% từ lỗ xuất phát lan tỏa đến tận đoạn cuối, khiến dòng máu chảy qua đây chậm hơn bình thường. Điều này báo hiệu nguy cơ tắc hoàn toàn động mạch xảy ra sớm. Khi đó, bệnh nhân có nguy cơ đột tử cao.
Êkip quyết định can thiệp đặt stent mở rộng lòng mạch vành, ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim cho bệnh nhân. Với sự hỗ trợ của hệ thống IVUS - siêu âm trong lòng mạch, các bác sĩ nong mạch máu bằng 3 stent kích thước lớn, đường kính lần lượt là 3.0 mm, 3.5 mm và 4.5 mm. Trong đó, đoạn xa gần mỏm tim đặt stent kích thước khá lớn đến 3.0 mm.
Theo bác sĩ Long, nếu chỉ dựa trên phim chụp mạch vành, thông thường bác sĩ chỉ chọn stent tối đa 2.5 mm ở đoạn mạch gần mỏm tim. Việc sử dụng stent nhỏ có nguy cơ tái hẹp về sau, đồng thời gia tăng biến chứng nhồi máu cơ tim do huyết khối tắc trong stent nhỏ. Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống siêu âm trong lòng mạch IVUS, bác sĩ có thể nong mạch vành bằng stent lớn cho anh Quang để giảm thiểu những rủi ro này.
Sau ca thủ thuật, mạch vành thông tốt, bệnh nhân hồi phục nhanh, cải thiện hoàn toàn triệu chứng đau ngực, đẩy lùi nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Theo Phó giáo sư Phạm Nguyễn Vinh, nhồi máu cơ tim thường xảy ra ở nam giới ngoài 65 tuổi. Những bệnh nhân nam mắc nhồi máu cơ tim trước 45 tuổi được coi là trẻ. Phần lớn họ mắc bệnh xơ vữa động mạch gây hẹp lòng mạch máu dẫn đến tắc nghẽn dòng máu đến nuôi cơ tim. Có 4 yếu tố chính gây xơ vữa động mạch gồm: hút thuốc lá, rối loạn lipid máu kèm thừa cân béo phì, đái tháo đường, tăng huyết áp không được kiểm soát. Bên cạnh đó, stress và tiền sử có bố mắc bệnh và tử vong trước 55 tuổi hoặc mẹ trước 65 tuổi cũng là yếu tố nguy cơ.
Vì vậy, biện pháp phòng tránh mắc bệnh là không hút thuốc lá, chế độ ăn uống khoa học, giữ cân nặng ở mức cho phép. Bên cạnh đó, mỗi người nên tập luyện thể lực đều đặn 30 phút mỗi ngày; giữ tinh thần thoải mái, tránh tối đa căng thẳng. Trong trường hợp không thể tự thoát khỏi tình trạng stress kéo dài, hãy nhờ tới sự trợ giúp của người thân, bác sĩ tâm lý. Ngoài ra, khi có những cơn đau thắt ngực, người bệnh nên đến bệnh viện kiểm tra. Việc tầm soát sức khỏe tim mạch định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm, can thiệp kịp thời tình trạng hẹp động mạch vành, ngăn ngừa nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.
Nhồi máu cơ tim có thể xảy ra bất ngờ, nhưng có những trường hợp cảnh báo trước hàng giờ, hàng ngày bằng dấu hiệu đặc trưng: đau thắt ngực khi hoạt động gắng sức, cơn đau giảm khi nghỉ ngơi. Hầu hết các cơn nhồi máu cơ tim đều để lại biến chứng từ nhẹ (nếu được điều trị kịp thời) đến nặng (đối với trường hợp xử lý chậm) như: rối loạn nhịp tim, suy tim, có thể ngưng tim do rối loạn nhịp, vỡ tim, huyết khối trong vùng tim, túi phình...
Theo bác sĩ Long, y học hiện đại phát minh ra hệ thống siêu âm trong lòng mạch (IVUS), sinh lý lòng mạch (iFR/FFR) giúp chẩn đoán, can thiệp nhanh chóng, chính xác nhờ hình ảnh chụp mạch vành rõ nét, định dạng 3D trực quan với góc nhìn 360 độ. Nhờ đó, bác sĩ có thể thực hiện nong mạch vành bằng stent kích thước lớn lên đến 4-5 mm, giúp giảm tối đa nguy cơ tái hẹp dẫn đến tái phát nhồi máu cơ tim.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Hạ Vũ
Vào lúc 20h ngày 17/8, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh tổ chức chương trình tư vấn trực tuyến "Nhồi máu cơ tim cấp: Làm thế nào để cứu người bệnh" nhằm giải đáp thắc mắc về dấu hiệu nhận biết, phương pháp tiên tiến trong chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa nhồi máu cơ tim cấp. Chương trình có sự tham gia của các chuyên gia Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM: PGS.TS.BS Phạm Nguyễn Vinh - Giám đốc Trung tâm Tim mạch, BS.CKII Huỳnh Ngọc Long - Giám đốc Trung tâm Can thiệp mạch, ThS.BS Phạm Đỗ Anh Thư - bác sĩ Nội tim mạch và ThS.BS Võ Anh Minh - bác sĩ Can thiệp tim mạch.
Chương trình tiếp sóng trên fanpage Báo điện tử VnExpress. Bạn đọc có thể gửi câu hỏi tại đây để các chuyên gia giải đáp