Trái tim của chúng ta phải làm rất nhiều việc và dường như chẳng có lúc nào ngơi nghỉ. Tim bơm máu khắp cơ thể trong suốt 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm.
Thầy thuốc nhân dân, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ, bệnh tim là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn cầu, có xu hướng gia tăng ở độ tuổi 30-45 nên không còn là bệnh của người cao tuổi. Lối sống cũng như những thói quen có hại cho sức khỏe tim mạch là nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh tim mạch tăng đều mỗi năm.
Bác sĩ Bạch Yến chia sẻ thêm, từ bỏ các thói quen, hành vi không tốt cho tim góp phần rất lớn làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Dưới đây là 18 thói quen không có lợi, làm tổn thương trái tim mà bạn cần thay đổi càng sớm càng tốt.
Ngồi quá lâu
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, ngồi một chỗ trong thời gian dài có thể làm tăng 14% nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời tăng nguy cơ tử vong sớm lên 40%. Nếu đặc thù công việc khiến bạn phải ngồi nhiều nên cố gắng đứng lên đi lại sau mỗi 1-2 giờ. Một vài động tác vận động giữa giờ làm việc cũng có tác dụng giúp lưu thông máu tốt hơn.
Xem tivi quá nhiều
Nhiều người có sở thích xem tivi nhiều giờ liền. Bác sĩ Bạch Yến cho biết, xem tivi hơn 4 giờ mỗi ngày sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim và tử vong sớm lên 50% so với những người xem ít hơn 2 giờ một ngày. Bạn có thể thưởng thức chương trình truyền hình bản thân yêu thích, sau đó, tắt tivi và chuyển sang các hoạt động khác như nghe nhạc, dọn dẹp nhà cửa, tập yoga...
Ít vận động
Nếu ở cơ quan, công việc của bạn gắn với máy vi tính, về nhà lại ôm tivi, đi lại bằng xe máy (hay ô tô), không tập luyện thể dục thể thao thì bạn đang có lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực. Theo các bác sĩ tim mạch, lối sống tĩnh tại là một trong các nguyên nhân hàng đầu của béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não).
Hoạt động thể lực giúp đem lại lợi ích về sức khỏe thể chất và tinh thần, giúp dự phòng tiểu đường, ung thư, loãng xương, làm giảm huyết áp và ngăn ngừa các bệnh tim mạch. "Chỉ cần tập thể dục 15 phút mỗi ngày giúp giảm 14% tỷ lệ tử vong và nếu tập thêm 15 phút nữa sẽ giúp tỷ lệ tử vong giảm thêm 4%", bác sĩ Bạch Yến nói.
Để giữ gìn sức khỏe và bảo vệ trái tim, bạn nên tập thể dục mức độ từ vừa (như đi bộ nhanh, đạp xe, bơi lội... ) ít nhất 5 ngày một tuần, mỗi ngày ít nhất 30 phút.
Ăn nhiều thịt đỏ
Nếu thịt đỏ (thịt heo, bò, cừu...) xuất hiện trong khẩu phần ăn của bạn đều đặn mỗi ngày thì đã đến lúc bạn cần cắt giảm lượng thịt.
Các cuộc nghiên cứu tìm thấy mối tương quan mật thiết giữa việc ăn nhiều thịt đỏ và bệnh tim mạch do trong thịt đỏ có chứa nhiều các chất béo bão hòa. Khi bạn ăn nhiều thịt đỏ (nhiều chất béo bão hòa), lượng LDL-C (loại mỡ xấu) trong cơ thể sẽ tăng cao làm hình thành các mảng xơ vữa (mảng bám) ở thành động mạch và gây hẹp tắc lòng mạch.
Các chuyên gia tim mạch khuyên mọi người nên ăn cá, thịt gia cầm (phần thịt lườn gà, vịt, chú ý bỏ lớp da) thay thế cho các loại thịt đỏ. Bạn nên thay thế một phần mỡ động vật bằng các loại dầu (ô liu, hướng dương, dầu mè, dầu gạo..), các loại hạt, các loại đậu, quả bơ.... Đây là các thực phẩm có lợi hơn cho sức khỏe tim mạch.
Lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn như xúc xích nướng, gà rán... thường có chứa nhiều muối ăn và nhất là chất béo dạng trans (loại mỡ xấu đối với tim mạch). Các bác sĩ tim mạch khuyên chúng ta ăn càng ít chất béo dạng trans càng tốt và tốt nhất là không ăn chất béo dạng này. Hạn chế tối đa thực phẩm chế biến sẵn trong thực đơn hàng ngày là cách để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Tiêu thụ quá nhiều đường
Nếu bạn là tín đồ của các món ăn chứa nhiều đường như bánh ngọt, chè, kem... thì nên kìm nén mỗi khi cơ thể thèm các món này. Bác sĩ Bạch Yến dẫn nghiên cứu cho thấy, những người tiêu thụ 17-21% tổng lượng calo từ đường mỗi ngày có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn 38% so với người ăn ít đường.
Bạn nên cắt giảm đồ ngọt, nhất là các loại thực phẩm có chứa đường tinh luyện như nước ngọt, bánh ngọt, kẹo, trà sữa, các loại chè ngọt.... Bánh mì trắng, gạo trắng cũng là các thực phẩm có chỉ số đường cao và nên hạn chế. Bạn có thể thay thế chúng bằng bánh mì đen, gạo còn nguyên vỏ (gạo lứt).
Ăn quá no
Sau khi ăn một bữa khiến dạ dày quá tải, dường như nhiều người có cảm giác lo lắng vì cân nặng tăng nhanh. Tuy nhiên, việc ăn quá no còn gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn thế. Bác sĩ Bạch Yến cho biết thêm, một bữa ăn quá no là nguyên nhân gây ra các cơn đau tim hoặc suy tim, nhất là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Khi bạn nạp nhiều thức ăn cùng một lúc, dạ dày và hệ tiêu hóa sẽ phải tăng làm việc, do vậy, cơ thể phải tăng vận chuyển máu từ tim đến hệ tiêu hóa. Điều này làm quả tim phải làm việc nhiều hơn bình thường và làm khởi phát cơn suy tim hoặc đau ngực do thiếu máu cơ tim (nhất là ở những người đã có bệnh mạch vành hoặc suy tim trước đó).
Uống nhiều rượu bia
Mặc dù rượu vang đỏ được chứng minh là có lợi cho tim mạch nhưng không phải ai cũng có thể uống, nhất là khi uống với lượng nhiều hơn khuyến nghị. Bác sĩ Bạch Yến dẫn nghiên cứu cho thấy, những người uống 10 ly rượu trở lên mỗi tuần sẽ tử vong sớm hơn 1-2 năm so với những người uống ít hơn 5 ly mỗi tuần. Nguyên nhân là rượu chứa chất có khả năng gây độc cho tim, làm suy yếu cơ tim, tăng nguy cơ mắc chứng loạn nhịp tim như rung nhĩ.
Ăn mặn
Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên bạn ăn ít hơn 6 gram muối mỗi ngày. Mọi nghiên cứu đều chứng minh, tiêu thụ hơn 6 gram muối mỗi ngày khiến bạn tăng nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim.
Để cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn, ngoài việc nêm nhạt khi chế biến, bạn cần hạn chế dùng thực phẩm chứa nhiều muối như các loại thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp, khoai tây chiên, các loại nước sốt...; tăng ăn các đồ luộc, hạn chế đồ kho, xào rán...
Ăn ít rau và trái cây
Các nhà khoa học đã chứng minh ăn nhiều rau và trái cây có tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi bệnh tim mạch. Trong rau, củ và quả tươi có chứa nhiều kali - thành phần có tác dụng giảm huyết áp và ngăn ngừa đột quỵ. Trong rau, củ, quả cũng có chứa nhiều chất xơ có tác dụng ngăn ngừa tiểu đường, giảm cholesterol trong máu và do đó giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.
Nếu bạn thuộc tuýp người ít ăn trái cây và rau nên bỏ ngay thói quen xấu này. Chỉ với 500 gram trái cây và rau, củ mỗi ngày giúp bạn đã giảm được 20% nguy cơ tử vong vì bệnh tim. Nên đa dạng các loại rau, củ, quả như rau lá xanh đậm, các loại củ, nhóm trái cây màu cam, vàng, xanh... Trong các loại củ (khoai lang, khoai tây) có chứa rất nhiều xơ min, có lợi cho tim mạch và hệ tiêu hóa.
Ăn ít cá
Không ăn cá hoặc ăn quá ít thì nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên rõ rệt. Ăn cá ít nhất một lần một tuần sẽ giúp giảm 16% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cá có hàm lượng cao các axit béo n-3 (omega-3). Các bác sĩ tim mạch khuyên bạn nên ăn cá 1-2 lần trong một tuần và trong đó có một bữa là loại cá có nhiều mỡ.
Không vệ sinh răng miệng đúng cách
Bác sĩ Bạch Yến chia sẻ thêm, những người bị bệnh nướu răng có nguy cơ cao bị đau tim, đột quỵ và các bệnh lý tim mạch khác. Nguyên nhân là bệnh nha chu làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tim. Để giữ cho trái tim khỏe mạnh, bác sĩ khuyên bạn nên đánh răng hai lần một ngày, dùng chỉ nha khoa sau khi ăn và đến gặp nha sĩ ngay khi gặp phải các vấn đề răng miệng.
Ngủ ngáy
Những người ngủ ngáy thường cho đây là tình trạng bình thường và không nguy hại cho sức khỏe. Thế nhưng, các nhà nghiên cứu lại phát hiện ra, chứng ngáy ngủ có thể là dấu hiệu của tình trạng dày lên hoặc bất thường ở các động mạch cảnh (nằm ở cổ và dẫn máu đến đầu, não, mặt), có nguy cơ gây hại cho tim. Bạn nên điều trị ngay nếu bị chứng ngưng thở khi ngủ, kèm theo tăng huyết áp hoặc các yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.
Căng thẳng kéo dài
Mức độ căng thẳng cao có thể tác động tiêu cực đến trái tim, nhất là khi bạn để căng thẳng tích tụ theo thời gian. Khi bạn căng thẳng, cơ thể sẽ sản sinh ra một chất gọi là cortisol - yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim do làm tăng huyết áp, tăng cholesterol và lượng đường trong máu.
Bạn không nhất thiết phải tránh xa stress hoàn toàn nhưng hãy học cách kiểm soát nó bằng cách thư giãn và nghỉ ngơi sau những giờ làm việc bận rộn, tập thiền, yoga để cân bằng tâm trí.
Trầm cảm
Nếu biết bản thân đang bị trầm cảm nhưng lần lữa chưa đi gặp bác sĩ tâm lý, bạn đang gián tiếp làm tổn thương trái tim của mình. Những người bị trầm cảm hoặc xuất hiện các triệu chứng trầm cảm có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Nếu chứng trầm cảm được điều trị đúng cách, nguy cơ này sẽ giảm xuống một nửa. Bạn đừng chủ quan với bất kỳ biểu hiện nào cho thấy mình có khả năng bị trầm cảm.
Dễ tức giận
Có nhiều lý do giải thích tại sao bạn không nên để cơn tức giận ảnh hưởng đến sức khỏe, một trong số đó là làm tổn thương trái tim. Khi bạn tức giận quá độ, tim sẽ đập nhanh hơn, hơi thở gấp gáp hơn. Nếu không được kiểm soát kịp thời, cơn nóng giận sẽ làm tăng nguy cơ đau tim, thậm chí đột quỵ. Dù với bất kỳ lý do gì, bạn cũng đừng để cơn giận làm tổn hại sức khỏe bản thân.
Hút thuốc lá
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Một người hút thuốc có thể bị giảm khoảng 10 năm tuổi thọ so với người không hút thuốc. Hút thuốc dù ít cũng tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Tác hại của hút thuốc lá không chỉ phụ thuộc vào liều lượng mà còn phụ thuộc vào thời gian hút.
Tất cả các loại thuốc gồm toàn bộ các loại thuốc lá (kể cả loại có nồng độ nicotin thấp, có đầu lọc hay không có đầu lọc), xì gà, thuốc hút tẩu, thuốc lào đều có hại. Thuốc lá không khói cũng có thể làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ và đột quỵ.
Hút thuốc lá thụ động (hít phải khói thuốc) cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch như người hút chủ động. "Người hít phải khói thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc tại nơi làm việc có thể bị tăng 30% nguy cơ mắc bệnh tim mạch", bác sĩ Bạch Yến nói thêm.
Hút thuốc lá có liên quan đến nhiều loại bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh động mạch vành (đột tử, hội chứng vành cấp, đau thắt ngực ổn định và suy tim), đột quỵ, phình động mạch chủ bụng, bệnh động mạch chi dưới. Thuốc lá còn gây hại cho rất nhiều cơ quan khác như gan, phổi, thận, tuyến tụy, đại trực tràng... Nếu bạn đang hút thuốc, hãy ngừng ngay càng sớm càng tốt.
Không khám sức khỏe định kỳ
Duy trì thói quen đi kiểm tra sức khỏe hàng năm rất quan trọng trong việc giữ cho trái tim khỏe mạnh. Theo bác sĩ Bạch Yến, 80% bệnh tim có thể phòng ngừa được. Muốn vậy, bạn cần đi khám mỗi 6 tháng một lần để được kiểm tra huyết áp, cholesterol, cân nặng và lượng đường trong máu, đồng thời sàng lọc các yếu tố nguy cơ cao của bệnh tim.
Nếu phát hiện vấn đề bất thường, bạn sẽ được điều trị kịp thời trước khi các bệnh lý nguy hiểm ập đến. Điều trị sớm và hiệu quả các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol trong máu, tiểu đường và béo phì làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ.
Thầy thuốc nhân dân, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến
Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội