Người bệnh viêm khớp dạng thấp thường bị sưng viêm, đau cứng khớp, suy giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Chế độ ăn uống khoa học giúp người bệnh đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng, cung cấp dưỡng chất kháng viêm, làm dịu vùng tổn thương, phòng ngừa biến chứng.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Duy Tùng, Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome, cho biết người bị viêm khớp dạng thấp nên ăn thực phẩm chứa nhiều chất xơ, vitamin A, C, D, E, K, omega-3, prebiotic, probiotic, canxi, sắt và các chất chống oxy hóa khác.
Dầu ô liu cung cấp omega-3 dồi dào hỗ trợ quá trình kháng viêm và ngăn chặn các tổn thương khớp lan rộng. Sử dụng dầu ô liu thay cho mỡ động vật có thể giúp người bệnh viêm khớp cải thiện tình trạng sưng viêm và duy trì thể trạng tốt.

Dầu ô liu có lợi cho sức khỏe người bệnh viêm khớp dạng thấp. Ảnh: Freepik
Quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, E, hỗ trợ làm giảm viêm khớp. Resveratrol có nhiều trong các loại quả này có khả năng kiểm soát viêm màng hoạt dịch, làm chậm tiến trình phá hủy sụn khớp.
Cà rốt cung cấp lượng lớn beta-carotene (tiền chất của vitamin A). Người bệnh viêm khớp dạng thấp thiếu vitamin này có thể làm suy yếu khả năng kháng viêm và chống oxy hóa trong cơ thể.
Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm lúa mạch, gạo lứt, yến mạch có nhiều dưỡng chất tốt cho người bệnh viêm khớp, ví dụ như chất xơ, chất chống oxy hóa, vitamin nhóm B, kẽm, sắt, magie... Ăn ngũ cốc nguyên hạt thay cho ngũ cốc tinh chế (gạo trắng, bánh mì trắng) giúp người bệnh cải thiện tần suất và cường độ đau khớp, hạn chế các biến chứng về thận, tim mạch.
Gừng có các hợp chất như 6-gingerol, 6-shogaol... giúp kháng viêm mạnh thông qua ức chế sản sinh các chất trung gian gây viêm. Để giảm viêm khớp dạng thấp và ngăn viêm nhiễm lan rộng, người bệnh có thể bổ sung gừng vào thực đơn hàng ngày.
Dứa giàu vitamin C, enzyme bromelain có tác dụng kháng viêm, giảm sưng, đau ở người bệnh viêm khớp dạng thấp. Ước tính hàm lượng vitamin C trong 100 g dứa có thể đáp ứng khoảng 79% nhu cầu vitamin C hàng ngày.
Củ nghệ chứa hoạt chất curcumin hỗ trợ kiểm soát viêm khớp dạng thấp. Hoạt chất này cũng giúp cải thiện sưng khớp và cứng khớp buổi sáng ở người bệnh.
Trà xanh với hợp chất EGCG có đặc tính chống oxy hóa mạnh gấp nhiều lần vitamin C. Khi vào cơ thể, EGCG góp phần tiêu diệt các gốc tự do và tác nhân gây viêm, giảm cường độ đau khớp. Trà xanh còn chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa khác như catechin, epicatechin, epicatechin gallate... góp phần ngăn ngừa vùng viêm nhiễm lan rộng.
Các loại đậu như đậu xanh, đậu đen, đậu đỏ là nguồn protein dồi dào, chứa ít chất gây viêm (chất béo bão hòa, tinh bột hấp thụ nhanh, purin) giúp người bệnh đảm bảo dinh dưỡng, kiểm soát tình trạng viêm khớp. Thực phẩm này cũng giàu chất xơ, chất chống oxy hóa làm giảm tần suất và cường độ cơn đau ở khớp xương.
Bông cải xanh giàu chất xơ, các chất chống oxy hóa như vitamin C, indole, sulforaphane... bảo vệ khớp xương khỏi gốc tự do và tác nhân gây viêm.
Cá béo như cá thu, cá ngừ, cá hồi, cá trích, cá mòi... cung cấp omega-3 dồi dào, có lợi cho người bệnh viêm khớp. Omega-3 là chất béo có đặc tính kháng viêm, góp phần bảo vệ người bệnh khỏi nhiều biến chứng nguy hiểm như bệnh tim mạch, nhiễm trùng, ung thư.
Các loại hạt điển hình là hạnh nhân, hạt lanh, hạt chia, hạt điều chứa lượng lớn protein, vitamin, các chất chống oxy hóa, hỗ trợ người bệnh kiểm soát viêm và sưng khớp.
Rau lá xanh giàu chất xơ và chất chống oxy hóa giúp cải thiện tình trạng viêm khớp, hỗ trợ phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm. Trong đó, cải bó xôi, bắp cải, cải xoăn, su hào có lợi với người bệnh viêm khớp dạng thấp. Chúng rất nhiều chất xơ, vitamin C, folate có thể giúp người bệnh bớt viêm nhiễm, nâng cao sức khỏe tổng thể.
Sữa ít béo cung cấp protein chất lượng cao cho người bệnh. Đây cũng là nguồn canxi, magie, vitamin D, K dồi dào hỗ trợ duy trì thể trạng khỏe mạnh. Ngoài sữa tươi ít béo, người bệnh có thể sử dụng sản phẩm khác như sữa chua không đường, sữa chua Hy Lạp.
Thực phẩm lên men như đậu tương lên men, kefir giàu probiotic, giúp tăng cường hệ miễn dịch và kiểm soát các phản ứng viêm nhiễm trong cơ thể. Bổ sung chúng vào chế độ dinh dưỡng góp phần đảm bảo sức khỏe tổng thể, ổn định tình trạng bệnh.
Người bị viêm khớp dạng thấp nên hạn chế thực phẩm có thể thúc đẩy viêm nhiễm tiến triển hoặc làm chậm quá trình chữa lành của cơ thể như thịt đỏ (thịt bò, lợn, dê...), dầu thực vật chứa nhiều omega-6, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn mặn, nhiều đường, rượu bia, nội tạng động vật.
Theo bác sĩ Tùng, người bệnh bổ sung các tinh chất thiên nhiên như eggshell membrane, collagen type 2 không biến tính, collagen peptide, turmeric root... góp phần giảm đau do viêm khớp dạng thấp, bảo vệ và tái tạo sụn khớp.
Kim Thành
Độc giả đặt câu hỏi về dinh dưỡng tại đây để bác sĩ giải đáp |