"Giây phút nghe tiếng con khóc, tôi bật khóc theo, thoát được gánh nặng vô sinh hơn một thập kỷ", chị Ngọc Quỳnh, 32 tuổi, chia sẻ hôm 8/11.
Chị Quỳnh năm 18 tuổi đã được chẩn đoán vô sinh do tắc hai vòi trứng. Lúc này chị vừa kết hôn. Trong ba năm sau đó, chị được thông vòi trứng và thụ tinh nhân tạo (IUI) 5 lần đều thất bại. Trong đó một lần thai ngoài tử cung, phải phẫu thuật cắt vòi trứng, đồng nghĩa chị không thể có con bằng cách thụ thai tự nhiên hay phương pháp thụ tinh nhân tạo (IUI).
Thụ tinh ống nghiệm (IVF) là giải pháp duy nhất giúp chị Quỳnh làm mẹ. Song chị hai lần chuyển phôi thất bại, một lần đậu thai nhưng ngoài tử cung.
Chị Quỳnh đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội (IVF Tâm Anh) điều trị khi đã ngoài 30 tuổi. "Trường hợp này khá hiếm bởi dù đã cắt cả hai vòi trứng, thực hiện IVF vẫn tiếp tục có thai ngoài tử cung", PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc IVF Tâm Anh, nói.
Bác sĩ Hoàng giải thích khả năng có thai ngoài tử cung là ngẫu nhiên, tỷ lệ ngang nhau ở thai IVF và thai tự nhiên. Vị trí thai làm tổ thường gặp là ở vòi trứng. Trường hợp chị Quỳnh đã cắt hai vòi trứng nhưng phôi thai vẫn làm tổ ở đoạn kẽ tử cung, tức phần sót lại của vòi trứng sau khi đã cắt, là khá hiếm gặp, tỷ lệ chỉ 2-3%.
Tại IVF Tâm Anh, phụ nữ điều trị vô sinh có tiền sử cắt cả hai vòi trứng chiếm khoảng 8,5%. Tuy nhiên, đây không phải là lý do duy nhất gây vô sinh, người bệnh thường có bệnh lý khác đi kèm khiến thụ tinh ống nghiệm không thành công. Các nguyên nhân chuyển phôi thất bại nhiều lần thường gặp bao gồm chất lượng phôi kém, bất thường tại buồng tử cung, phôi và niêm mạc tử cung không tương thích... Yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng tỷ lệ chuyển phôi thành công.
Chị Quỳnh được nội soi buồng tử cung và lấy mẫu sinh thiết, xác định bị viêm nội mạc tử cung mạn tính. Tình trạng này gây vô sinh do tinh trùng không thể gặp trứng để thụ tinh hoặc phôi không thể di chuyển thuận lợi về niêm mạc tử cung để làm tổ và phát triển. Ngoài ra, viêm nhiễm khiến tử cung không đảm bảo đủ chức năng cho phôi thai làm tổ.
"Viêm nội mạc tử cung là nguyên nhân khác gây vô sinh nhưng triệu chứng khá mơ hồ, dễ bị bỏ qua ở những lần điều trị trước khiến người bệnh chuyển phôi nhiều lần thất bại", bác sĩ Hoàng nói.
Chị Quỳnh được kích thích buồng trứng, thu noãn để thụ tinh ống nghiệm với tinh trùng của chồng. Phôi được nuôi cấy trong tủ Timelapse kết hợp theo dõi bằng trí tuệ nhân tạo, thu được 12 phôi, trong đó có 11 phôi ngày 5 và một phôi ngày 6.
Bác sĩ chỉ định chị dùng thuốc điều trị khỏi viêm nội mạc tử cung mạn tính trong hai tuần, sau đó chuẩn bị niêm mạc và chuyển một phôi ngày 5 vào tử cung. Chị đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi, sinh bé gái khỏe mạnh nặng 3,2 kg.
Bác sĩ Hoàng cho biết vô sinh nữ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, phổ biến là bất thường tại buồng trứng, tử cung. Khoảng 20-30% trường hợp vô sinh liên quan đến các vấn đề về ống dẫn trứng, trong đó tắc ống chiếm 10-20%. Trường hợp vòi trứng bị tắc quá nặng, dịch ứ nhiều, không còn hy vọng thụ thai tự nhiên hoặc không sửa chữa được, bệnh nhân có thể phải cắt vòi trứng, kết hợp thụ tinh ống nghiệm để có thai. Tại IVF Tâm Anh, trường hợp hiếm muộn do cắt cả hai vòi trứng có tỷ lệ IVF thành công khoảng 61%.
Những bất thường tử cung có thể cản trở quá trình làm tổ của trứng hoặc làm gia tăng nguy cơ sảy thai, chửa ngoài tử cung như viêm nội mạc tử cung, lạc nội mạc tử cung, polyp tử cung, u xơ tử cung, tử cung dị dạng... Tùy nguyên nhân, bác sĩ khuyến nghị một số phương pháp khắc phục và cải thiện khả năng sinh sản như phẫu thuật nội soi buồng tử cung, phẫu thuật ống dẫn trứng.
Trường hợp viêm nội mạc tử cung có thể chữa khỏi và có con nếu được phát hiện sớm, can thiệp kịp thời bằng kháng sinh. Bác sĩ Hoàng khuyến cáo nên điều trị sớm, tránh tình trạng viêm nhiễm lan rộng, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, như nhiễm khuẩn huyết, dính buồng tử cung, viêm phần phụ gây tắc vòi trứng, nhiễm trùng và viêm phúc mạc vùng chậu, sốc nhiễm trùng...
Thanh Ba
Độc giả gửi câu hỏi về vô sinh hiếm muộn tại đây để bác sĩ giải đáp |