Hai bé Bảo Ngọc và Bảo Khánh là kết quả sau hai lần chuyển phôi của chị Hằng, do PGS.TS.BS Lê Hoàng, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản BVĐK Tâm Anh Hà Nội (IVFTA) thực hiện. Bảo Khánh hơn 2 tháng tuổi, chào đời khi chị Hằng đã bước vào tuổi 42. Hai "hũ rượu nếp" đánh dấu hạnh phúc viên mãn cho hành trình kiên trì hơn 11 năm của vợ chồng cô giáo mầm non.
"Tôi là giáo viên mầm non nên rất yêu trẻ và là một trong nhiều bà mẹ hiếm muộn may mắn đón được con yêu về nhà bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)", chị Hằng, ở Hà Giang, nói.
Lấy nhau năm 2009, sau một năm cố gắng nhưng không có con, anh chị đến khám tại một bệnh viện phụ sản lớn ở Hà Nội thì kết quả cho thấy chị bị tắc ống dẫn trứng. Một bên vòi trứng dính nghiêm trọng, tổn thương quá nặng, không có khả năng phục hồi, phải thực hiện cắt bỏ. Bên vòi trứng còn lại bác sĩ chỉ định mổ thông, điều trị bằng thuốc một năm và cố gắng có con tự nhiên.
Theo bác sĩ Lê Hoàng, biến chứng nguy hiểm nhất của tình trạng tắc dính ống dẫn trứng là mang thai ngoài tử cung. Chị Hằng đã không may mắn. Cuối năm 2010, chị mang thai nhưng thai ngoài tử cung, nguy cơ vỡ, xuất huyết khối thai, ảnh hưởng tính mạng. Các bác sĩ phải xử lý khối thai khi thai vừa 9 tuần tuổi.
Tiền sử cắt một bên vòi trứng, bên còn lại mổ thông tắc dính nhưng không hiệu quả. Kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm là lựa chọn duy nhất giúp chị Hằng có cơ hội được làm mẹ.
Sau 3 lần chuyển phôi thất bại, khi gặp bác sĩ Lê Hoàng, chị "cảm giác như sắp chết đuối vớ được cọc". Chuyển phôi thành công ngay trong lần đầu tiên, chị Hằng hạnh phúc đón con gái đầu lòng Bảo Ngọc vào năm 2013, sau hành trình 4 năm lặn lội ngược xuôi "tìm" con.
Tháng 12/2021 chị Hằng một lần nữa vượt quãng đường gần 600 km, tới IVFTA với mong muốn có thêm con. Khi đó, ở tuổi ngoài 40, chất lượng noãn và tinh trùng suy giảm theo cơ chế tự nhiên của cơ thể, kéo theo tỷ lệ noãn bất thường tăng, có thể lên tới 80% số noãn thu được trong một chu kỳ kích thích buồng trứng là bất thường. Phôi tạo thành từ noãn và tinh trùng bất thường cũng sẽ có bất thường về mặt di truyền.
Chị Hằng được kích thích buồng trứng nhẹ, tạo được 5 phôi. Sau sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGT-A), chị còn 2 phôi khỏe mạnh. Bác sĩ Lê Hoàng nổi tiếng "mát tay", tiếp tục chuyển phôi thành công ngay lần đầu tiên cho nữ giáo viên.
"Năm 2013, chỉ còn 30 phút bác sĩ Hoàng phải ra sân bay đi công tác nhưng vẫn cố gắng ở lại chuyển phôi cho tôi. Tới bé thứ hai, tôi mệt quá ngủ quên đúng vào ngày kích trứng, kết quả phải đợi chu kỳ sau, nhưng bác sĩ vẫn rất nhiệt tình tư vấn, động viên. Buổi sáng chuyển phôi, buổi trưa vợ chồng tôi bắt xe về quê luôn. Em bé vẫn nằm ngoan trong bụng mẹ đủ ngày đủ tháng", chị Hằng kể.
Sinh hai con đều vào gần dịp Tết, dù không được đi đâu, cả ngày quanh quẩn với bỉm sữa, con cái, nhưng chị Hằng hạnh phúc vô cùng. Tết có con là cái Tết đặc biệt, được trải nghiệm niềm hạnh phúc bình thường của người cha người mẹ là đưa con đi chúc Tết nội ngoại 2 bên mà cả hai vợ chồng mong ước nhiều năm trời.
Suốt hành trình 11 năm "tìm" con, họ chưa từng vì vấn đề muộn con mà cãi vã, dằn vặt nhau, luôn đón nhận mọi việc bằng nguồn năng lượng tích cực nhất.
Khi được hỏi về bí quyết đón con thành công ở tuổi 42, chị Hằng đáp: "Còn cố gắng là còn cơ hội có con, nhất định con sẽ đến. Que thử thai lên 2 vạch là hạnh phúc vỡ òa, cuốn trôi hết những buồn đau trước đó".
Mai Linh