Thai phụ Nguyễn Thị Lành (29 tuổi, Hà Nội) được đưa tới cấp cứu tại BVĐK Tâm Anh hồi tháng 7/2021 trong tình trạng nguy kịch, xuất huyết ồ ạt, huyết áp giảm sâu chỉ còn 60/40 do mất máu quá nhiều. Sản phụ đau bụng dữ dội, kiệt sức, mạch đập và hơi thở yếu. Khám và siêu âm tại phòng cấp cứu sản khoa, bác sĩ chẩn đoán thai phụ bị vỡ tử cung ở tuần thai thứ 18, tiên lượng rất xấu cho cả mẹ và con.
Ths.BS Cao cấp Đinh Thị Hiền Lê , chuyên gia hàng đầu về y học bào thai và cấp cứu sản khoa của BVĐK Tâm Anh ngay lập tức quyết định phẫu thuật mở ổ bụng người mẹ, tranh thủ từng giây trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc.
Thực tế khi mổ, tình trạng của thai phụ xấu hơn dự đoán. Bác sĩ phát hiện tử cung của thai phụ bị rách tới 10cm, xuất huyết ồ ạt tới hơn 2,5l máu trong ổ bụng, khối thai và nhau thai đã bị đẩy một phần ra khỏi tử cung và nằm trong ổ bụng.
"Lúc này, nếu tiếp tục giữ thai, người mẹ có nguy cơ xuất huyết nặng, khả năng sống của thai nhi cũng rất mong manh. Tại Việt Nam và thế giới, trong trường hợp thai phụ vỡ tử cung, các bác sĩ thường chọn cứu mẹ,khâu phục hồi tử cung hoặc cắt bỏ tử cung, nhưng sản phụ có thể vĩnh viễn mất cơ hội sinh nở sau này", bác sĩ Hiền Lê nhận định.
Trường hợp thai phụ Lành còn đặc biệt éo le, khi đã trải qua 4 lần phẫu thuật: bóc nhân xơ và hai lần xử lý thai ngoài tử cung. Chị Lành cũng đã hai lần làm thụ tinh trong ống nghiệm IVF nhưng chưa từng một lần làm mẹ.
Trước khao khát làm mẹ quá lớn của thai phụ và gia đình, bác sĩ không thể quyết định cắt tử cung cứu mẹ như thông thường, mà chấp nhận mạo hiểm khi cứu cả mẹ lẫn con nhờ kỹ thuật cao cấp hàng đầu y học bào thai chưa từng được áp dụng ở Việt Nam.
Bác sĩ Hiền Lê và ekip sau khi cấp cứu mổ mở ổ bụng thai phụ đã nhanh chóng đưa thai nhi và bánh nhau vào lại tử cung, hút sạch dịch trong ổ bụng và khâu phục hồi tử cung của thai phụ. Phương pháp này đã được thực hiện ở các Trung tâm Y học bào thai của Mỹ, áp dụng trong các ca khâu lại vết nứt cột sống thai nhi, được chứng minh là an toàn và tỷ lệ thành công cao.
Dù vậy, theo bác sĩ Hiền Lê kỹ thuật này mới ở dạng lý thuyết và kinh nghiệm của y học quốc tế, chưa từng được áp dụng ở Việt Nam. Bên cạnh đó chưa có bất cứ bệnh viện nào phẫu thuật trên nền thai phụ vỡ tử cung với thai nhi và bánh nhau đã bị đẩy ra ngoài tử cung.
"Với quy trình báo động đỏ, sự hợp sức của nhiều ekip từ bác sĩ phẫu thuật, gây mê hồi sức, bác sĩ sản khoa, chúng tôi đã nhanh chóng đưa thai nhi 18 tuần chỉ nặng 200 gram cùng nhau vào tử cung mà không làm ảnh hưởng đến bánh nhau còn lại. Bác sĩ tỉ mỉ xử lý khâu lại vết rách, hút sạch máu và dịch trong ổ bụng... Với tâm lý còn nước còn tát, cố gắng, cứu cả mẹ và con bằng mọi giá, chúng tôi đã thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu chưa từng nghĩ tới trong suốt mấy chục năm làm nghề", bác sĩ Hiền Lê nhớ lại.
Kỳ tích đến sau nhiều giờ phẫu thuật căng thẳng. Thai phụ vượt qua nguy kịch, không những giữ được tử cung không bị cắt bỏ mà còn giữ được sự sống của thai nhi. Gần 24 giờ sau phẫu thuật, chỉ số sinh tồn huyết động học của người mẹ và nhịp tim thai đã trở lại bình thường. Một ngày tiếp theo, thai phụ đã được cầm được máu, thai nhi có dấu hiệu sống tốt. Các chỉ số phát triển ở mức bình thường. Thành công của cuộc phẫu thuật chưa từng có tiền lệ này ngay sau đó đã được Tạp chí Sản phụ khoa của Mỹ ghi nhận.
Theo bác sĩ Hiền Lê, mổ mở tử cung trong thai kỳ là kỹ thuật rất khó trong y học bào thai - một lĩnh vực mới, cao cấp của chuyên ngành sản khoa. Kỹ thuật này được thực hiện được ở những quốc gia có nền y học phát triển bởi những yêu cầu ngặt nghèo về phòng mổ hiện đại, trình độ chuyên môn cao đồng đều của toàn bộ ekip, đặc biệt là bác sĩ phẫu thuật chính.
Bác sĩ Hiền Lê là chuyên gia đầu tiên của Việt Nam thực hiện thành công phẫu thuật truyền máu song thai, một biến chứng phức tạp trong lĩnh vực y học bào thai.
100 ngày chăm sản phụ chờ mẹ tròn con vuông
Ca mổ thành công, tuy nhiên bác sĩ chưa thể yên tâm vì tử cung của người mẹ với vết mổ lớn vẫn tiềm ẩn nguy cơ vỡ lần thứ hai kèm theo nhiều nguy hiểm với bào thai.
Để đảm bảo an toàn, chị Lành được chỉ định theo dõi điều trị nội trú tại bệnh viện. Mỗi ngày, các bác sĩ kiểm tra vết mổ và thai nhi ngay tại giường bệnh, hạn chế việc di chuyển gây áp lực lên bào thai. Tuy nhiên ở tuần thai 21, sản phụ tiếp tục gặp biến chứng thiểu ối, rỉ ối, gia tăng nguy cơ sinh non. Các bác sĩ tiếp tục tích cực điều trị bằng nhiều phương pháp với mục tiêu giữ thai tối thiểu đạt 24 tuần vì BVĐK Tâm Anh đã thành công nuôi trẻ sinh non từ 24 tuần tuổi.
Vượt ngoài mong đợi, sau gần 15 tuần điều trị đặc biệt để giữ thai, bác sĩ đánh giá các nguy cơ và quyết định mổ bắt thai chủ động đưa em bé ra ngoài khi sắp sang tuần thai thứ 33.
Ngày 11/10, sản phụ bước vào cuộc phẫu thuật quan trọng tiếp theo với sự tham gia của các bác sĩ sản khoa, hồi sức sơ sinh, bé gái khỏe mạnh nặng 1,9kg đã chào đời. Lúc này, các bác sĩ cho biết mới thực sự thở phào sau gần 100 ngày đối mặt với nhiều rủi ro cho thai phụ.
Sau hơn một tuần được ôm con trong tay, vợ chồng chị Lành và gia đình vẫn chưa dám tin sẽ có ngày này. "Giây phút vào viện cấp cứu khi vỡ tử cung, tôi đã tuyệt vọng nghĩ rằng có lẽ cả đời này mình không thể có cơ hội làm mẹ nữa", chị Lành kể lại. Sau nhiều năm mong con, chị cho biết mơ ước làm mẹ đã thành sự thật.
Theo Ths.BS Cao cấp Đinh Thị Hiền Lê: Vỡ tử cung là biến chứng nguy hiểm khi mang thai, nếu không được xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Đã có nhiều trường hợp phải đình chỉ thai kỳ và cắt bỏ tử cung. Theo thống kê, tai biến vỡ tử cung rất hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 325/100.000 ca sinh ở những phụ nữ có tiền sử mổ lấy thai, 1/5700 – 1/20.000 đối với những thai phụ không có sẹo tử cung.. |
Anh Ngọc