Cơ thể có thể tạo và lưu trữ chất béo bên cạnh lượng chất béo nhận được từ thực phẩm. Người mắc bệnh tiểu đường loại hai, hội chứng chuyển hóa thường có lượng chất béo trung tính (triglyceride) cao hơn mức bình thường. Triglyceride là chất béo trong máu và được sử dụng để cung cấp năng lượng cho cơ thể.
Chất béo trung tính cao có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tổn thương thần kinh. Nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc tăng nồng độ chất béo trung tính trong thời gian dài với các tình trạng như xơ vữa động mạch và kháng insulin. Để kiểm tra mức chất béo trung tính, bạn thường phải nhịn ăn trước khi lấy mẫu máu ít nhất tám giờ. Kết quả xét nghiệm triglycerid lúc đói: bình thường là dưới 150 mg/dL, 150-199 là ở mức ranh giới cao mg/dL, cao khi 200-499 mg/dL, rất cao là hơn 500 mg/dL.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lượng chất béo trung tính cao. Những người có một số vấn đề sức khỏe hoặc các yếu tố nguy cơ thường có mức chất béo trung tính cao hơn. Ví dụ, nồng độ chất béo trung tính tăng cao thường gặp ở những người mắc hội chứng chuyển hóa. Nhóm rối loạn này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tiểu đường loại hai. Hội chứng này cũng có thể gây ra lượng đường trong máu cao, huyết áp cao, HDL thấp (loại cholesterol tốt) và tăng mỡ bụng.
Kiểm soát bệnh tiểu đường kém hiệu quả
Bệnh tiểu đường không được quản lý tốt sẽ dẫn đến lượng glucose (đường huyết) và insulin trong cơ thể cao. Insulin giúp chuyển hóa glucose thành dạng có thể lưu trữ được (glycogen). Nó cũng giúp lưu trữ glycogen trong gan. Nếu gan có quá nhiều glycogen, cơ thể sẽ sử dụng glucose để tạo ra axit béo. Các axit được sử dụng để tạo ra chất béo trung tính. Khi chúng được giải phóng vào máu, chúng có thể tích tụ trong các tế bào mỡ và làm tăng lượng chất béo trong cơ thể.
Ăn nhiều calo hơn mức cơ thể đốt cháy
Cơ thể sử dụng chất béo trung tính như một nguồn năng lượng nhanh chóng giữa các bữa ăn. Lượng calo còn lại được lưu trữ trong tế bào dưới dạng chất béo trung tính.
Lượng carbohydrate cao
Khi cơ thể tiêu hóa thức ăn, carbohydrate sẽ bị phân hủy và glucose sẽ được đưa ra ngoài. Sau đó, glucose được hấp thụ bởi ruột và đi vào máu.
Nếu bệnh tiểu đường được kiểm soát kém, lượng glucose bổ sung có thể được sử dụng để tạo ra chất béo trung tính. Carbohydrate đến từ các loại thực phẩm như các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc (bánh mì, mì ống, gạo...), các loại rau giàu tinh bột (khoai tây, đậu Hà Lan, ngô...), cây họ đậu, hoa quả, thực phẩm có đường (bánh quy, bánh ngọt, kẹo...). Carbohydrate không phải là thực phẩm xấu, nó là một phần quan trọng của một chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, nếu bạn ăn quá nhiều carbohydrate có thể làm cho chất béo trung tính tăng lên.
Béo phì
Người thừa cân, béo phì không phải lúc nào cũng có chất béo trung tính cao. Tuy nhiên, nghiên cứu đã phát hiện ra có mối liên hệ giữa béo phì với tăng triglycerid máu, việc có vòng eo lớn hơn với lượng chất béo trung tính cao.
Kháng insulin
Kháng insulin xảy ra khi cơ thể bạn không đáp ứng với insulin bạn tạo ra. Điều đó có nghĩa là đường không thể xâm nhập vào tế bào mà sẽ ở trong máu. Kháng insulin dẫn đến lượng insulin và glucose cao. Do đó, người không thể kiểm soát tốt bệnh tiểu đường thường có lượng chất béo trung tính cao.
Suy thận
Nguy cơ bị suy thận mạn tính cao hơn ở những người mắc bệnh tiểu đường. Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này. Ở những người bị suy thận, cơ thể khó kiểm soát lượng mỡ trong máu vì cơ thể tạo ra nhiều chất béo trung tính hơn, không có khả năng loại bỏ chất béo ra khỏi máu hoặc cả hai. Suy thận cũng có thể gây ra tình trạng kháng insulin hoặc làm cho bệnh trầm trọng hơn.
Di truyền
Những người có mức cholesterol HDL thấp và mức chất béo trung tính cao do yếu tố di truyền có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại hai tăng lên.
Mức mormone tuyến giáp thấp
Rối loạn tuyến giáp cũng phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nhiều người mắc bệnh tiểu đường cũng có tuyến giáp hoạt động kém hoặc suy giáp. Nếu bạn có cả lượng chất béo trung tính và mức cholesterol cao thì có thể là dấu hiệu của mức độ hormone tuyến giáp thấp và nên thăm khám bác sĩ. Trong một số trường hợp, điều trị suy giáp có thể giúp giảm mức chất béo trung tính.
Thuốc
Một số loại thuốc cũng có thể làm tăng mức chất béo trung tính như thuốc tránh thai, estrogen, thuốc chẹn beta, thuốc lợi tiểu... Nếu bạn đang dùng thuốc và nhận thấy rằng chúng có thể góp phần làm tăng mức chất béo trung tính thì nên nói chuyện với bác sĩ. Đừng ngừng dùng thuốc trừ khi bác sĩ của bạn yêu cầu.
Thực phẩm
Một số loại thực phẩm và đồ uống ảnh hưởng đến mức chất béo trung tính nhiều hơn những loại khác. Ở những người mắc bệnh tiểu đường, tác dụng có thể mạnh hơn vì cơ thể ít có khả năng xử lý một số loại thực phẩm nhất định. Thực phẩm có thể góp phần làm tăng mức chất béo trung tính bao gồm đường đơn (đồ uống có đường, bánh quy, bánh ngọt, kẹo...), các loại ngũ cốc đã qua chế biến, tinh chế (bánh mì trắng, mì ống trắng...), thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (thịt chế biến sẵn như xúc xích, thịt xông khói, thịt ba chỉ; đồ ngọt, đồ chiên), rượu.
Để giảm mức chất béo trung tính, Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến nghị tập luyện đêu đặn, chế độ ăn ít carbohydrate, đường, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, chọn chất béo có lợi cho tim (cá béo như cá hồi, các loại hạt, quả bơ, dầu ô liu...), bỏ hút thuốc lá, hạn chế uống rượu bia, cố gắng giữ lượng đường trong máu ở mức bình thường. Nếu thay đổi lối sống không giúp giảm mức chất béo trung tính thì bạn nên thăm khám bác sĩ để có biện pháp can thiệp, điều trị phù hợp.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)