Nếu đã sảy thai một lần, có thể tái diễn
Đây là quan niệm sai. Giáo sư Tan Hak Koon, Chủ tịch kiêm Chuyên gia tư vấn cấp cao của Khoa Sản phụ khoa, tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em KK (KKH, Singapore), cho biết một số nguyên nhân gây sảy thai có thể do tình trạng sức khỏe, ví dụ rối loạn miễn dịch hoặc đông máu. Sau đó, hầu hết phụ nữ sảy thai có thai kỳ khỏe mạnh. Nếu bị sảy thai từ ba lần trở lên, đây là tình trạng sảy thai tái phát và người mẹ cần tìm nguyên nhân để điều trị.
Tiêm vaccine mRNA gây sảy thai
Các nghiên cứu trên hơn 230.000 phụ nữ ở Mỹ đã tiêm vaccine mRNA, cho thấy không có nguy cơ sảy thai nào, chứng minh vaccine an toàn với thai kỳ, không truyền virus cho người mẹ và em bé.
Dữ liệu khoa học hiện tại cũng cho thấy phụ nữ mang thai được tiêm vaccine Covid-19 không có nguy cơ mắc các biến chứng khác, ví dụ sinh non, thai chết lưu, hạn chế tăng trưởng hoặc dị tật bẩm sinh, so với những người không tiêm vaccine. Nhiều nghiên cứu khác nhau tìm thấy kháng thể từ vaccine trong máu cuống rốn, minh họa cách vaccine bảo vệ cả mẹ và con.
Không cần điều trị khi sảy thai
15-20% trường hợp dọa sảy thai bị chảy máu âm đạo trong giai đoạn đầu của thai kỳ, có thể dẫn đến sảy thai tự nhiên. Lúc này, phụ nữ phải tìm kiếm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt.
Dù sảy thai khó ngăn chặn, song một số thai phụ có thể được điều trị bằng cách sử dụng progestogen (một loại hormone có vai trò quan trọng trong kỳ kinh nguyệt và mang thai). Xét nghiệm máu đo mức progesterone có thể sàng lọc và phân loại bệnh nhân, từ đó hướng dẫn bác sĩ quản lý, ngăn ngừa sẩy thai ở 30% bà bầu có nguy cơ cao.
Sảy thai di truyền
Sảy thai thường không di truyền, ngoại trừ gia đình có tiền sử mắc bệnh di truyền hiếm gặp. Giáo sư Tan cho biết: "Đa số ca sảy thai xảy ra do thai nhi không phát triển bình thường, do rối loạn gene hoặc nhiễm sắc thể". Nếu người mẹ mắc một số bệnh di truyền, ví dụ bệnh tiểu đường nặng không kiểm soát được, cường giáp hoặc bệnh tự miễn, có thể làm tăng nguy cơ sảy thai.
Sau sảy thai, nên chờ một thời gian để mang thai lại
Đây cũng là quan niệm sai. Người phụ nữ có thể bị kiệt sức về thể chất và tinh thần khi sảy thai, nên thường được khuyến khích nghỉ ngơi đầy đủ. Song, giáo sư Tan cho rằng hoàn toàn ổn nếu bắt đầu cố gắng sinh thêm một em bé khi chu kỳ kinh nguyệt trở lại.
Giáo sư Tan cũng khuyến nghị chị em nên bổ sung acid folic (một loại vitamin B) hàng ngày. Vitamin giúp cải thiện cơ hội thụ thai và sản xuất tế bào hồng cầu, giảm nguy cơ phát triển chứng nứt đốt sống gây khuyết tật ở trẻ.
Quan hệ tình dục khi mang thai ảnh hưởng em bé
Giáo sư Tan cho biết hoạt động tình dục khi mang thai an toàn. Lý do là trong quá trình giao hợp, tử cung chứa thai nhi không bị xâm nhập. Tuy nhiên, nếu bạn bị dọa sẩy thai trong thai kỳ hoặc xuất huyết trước sinh (chảy máu đường sinh dục) ở nửa sau của thai kỳ, hãy tránh các hoạt động tình dục cho đến khi em bé ổn định.
Tiêu thụ quá nhiều caffein gây sảy thai
Một phân tích tổng hợp của 60 công bố khoa học riêng biệt trên Tạp chí Dịch tễ học Châu Âu năm 2014, cho thấy tiêu thụ nhiều caffeine hơn liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên, thai chết lưu, sinh non, nhẹ cân và trẻ nhỏ so với tuổi thai.
Tuy nhiên, theo Tổ chức Y tế thế giới, thai phụ vẫn có thể tiêu thụ caffein. Giáo sư Tan cho biết mức tiêu thụ nên là khoảng 200 mg caffein một ngày, hoặc hai tách cà phê, trà thông thường. Thai phụ không nên tiêu thụ nhiều hơn do caffein kích thích tăng nhịp tim ở người mẹ, gây căng thẳng cho em bé, tăng nguy cơ sảy thai.
Tập thể dục nhiều hoặc nghỉ không đủ gây sảy thai
Tương tự, đây là một quan niệm sai. Thai phụ không tập thể dục hoặc tập rất ít và tiêu thụ thêm calo trong thời kỳ mang thai, có thể gây hại nhiều hơn cho mẹ và con. Lý do là tăng cân quá mức có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, khiến thai nhi to hơn mức trung bình là 3,8 kg; biến chứng chết lưu hoặc dị tật bẩm sinh, mẹ và bé có nguy cơ mắc tiểu đường type 2 về sau.
Một nghiên cứu do KKH hướng dẫn vào tháng 8 năm 2019, cho thấy tỷ lệ béo phì khi mang thai ở phụ nữ Singapore rất cao. Khoảng 24% phụ nữ tham gia khảo sát bị thừa cân và 11% bị béo phì. Đây là lý do tập thể dục được khuyến khích trong khi mang thai.
Những phụ nữ khỏe mạnh mang thai cần ít nhất 150 phút hoạt động thể chất vừa phải mỗi tuần, ví dụ đi bộ nhanh, bơi lội, đạp xe tại chỗ, thể dục nhịp điệu tác động thấp, chạy bộ, rèn luyện sức đề kháng như ngồi xổm, chống đẩy và tập với dây kháng lực. Để an toàn, bạn hãy tham khảo tư vấn của bác sĩ trước khi tập.
Chuyển nhà và sắp xếp phòng của em bé có thể gây sảy thai
Phụ nữ mang thai thường trải qua giai đoạn "làm tổ", đặc trưng là sự bùng nổ năng lượng trong vài tuần cuối của thai kỳ, khiến họ phải dọn dẹp và sắp xếp nhà cửa để chuẩn bị cho sự ra đời của em bé. Hiện không có bằng chứng y khoa nào chứng minh rằng phụ nữ nên tránh hoạt động này.
Song, chị em cần ưu tiên an toàn và tránh quá gắng sức, ví dụ mang vác vật quá nặng hoặc thực hiện các hoạt động có khả năng gây ngã như leo và đứng trên thang. Một cú ngã lớn kèm theo chấn thương ở đầu hoặc bụng có thể dẫn đến sảy thai. Vì vậy, chị em nên làm việc thật thận trọng.
Hy vọng sau sảy thai
Sảy thai chưa bao giờ dễ vượt qua, phụ nữ thường tự hỏi họ có vấn đề gì gây sảy thai hay không. Phụ nữ thường tự trách, coi bản thân có trách nhiệm trong vấn đề sảy thai. Để đối mặt với sự mất mát và chữa lành vết thương, vợ chồng có thể sử dụng các bước đơn giản sau:
Có thể khóc, cách này hữu ích và giúp trị liệu.
Cảm giác sốc, bối rối và đau đớn cùng cực là bình thường. Nhiều cảm xúc trong số này có thể đáng sợ nhưng mọi người cần hiểu các cảm xúc phức tạp này là bình thường và tự nhiên. Bạn không phải trường hợp duy nhất. Vì vậy, đừng nghiêm khắc với bản thân vì có thể mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng để chấp nhận mất mát.
Tạo ra những kỷ niệm về kỳ mang thai có thể hữu ích, ví dụ ảnh và nhật ký có thể mang lại sự thoải mái và chữa lành cho cha mẹ. Lý do là các vật dụng này nhắc nhở về sự tồn tại của em bé. Ngoài ra, những kỷ niệm này cũng có thể giúp bạn vượt qua những cảm xúc phức tạp, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của sự mất mát.
Dành thời gian chăm sóc bản thân. Các bậc cha mẹ đang đau buồn cần nghỉ ngơi nhiều, có chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng, tập thể dục thường xuyên. Bạn có thể có một kỳ nghỉ ngắn ngày, sự thay đổi môi trường có thể giúp vượt qua cảm xúc tiêu cực.
Đừng ngại yêu cầu giúp đỡ. Nói chuyện với gia đình và bạn bè, hoặc thậm chí tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp từ bác sĩ nếu bạn quá đau khổ.
Quan trọng nhất, "đau buồn không có nghĩa là chúng ta không thể có một chút hạnh phúc". Vì vậy, đừng cảm thấy tội lỗi khi tập trung vào việc chăm sóc bản thân, tận hưởng các hoạt động giải trí khi cần thiết và tìm kiếm sự hỗ trợ để giúp bạn trong quá trình hồi phục.
Chi Lê (Theo Channel News Asia)